MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm vận dầu Nga: EU nỗ lực tìm đường thoát bế tắc; 2 nước châu Á mua mạnh dầu Nga giảm giá

28-05-2022 - 21:10 PM | Tài chính quốc tế

Cấm vận dầu Nga: EU nỗ lực tìm đường thoát bế tắc; 2 nước châu Á mua mạnh dầu Nga giảm giá

Theo công ty phân tích Kpler, Châu Á đã lần đầu tiên vượt qua châu Âu để trở thành khách mua lớn nhất đối với mặt hàng dầu mỏ của Nga trong tháng 4/2022.

EU nỗ lực tìm cách để khiến Hungary "gật đầu"

Theo Channel News Asia (CNA), Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách giúp gói trừng phạt Nga thứ 6 - bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ - thoát khỏi thế bế tắc khi Hungary vẫn một mực phản đối.

Cụ thể, CNA dẫn lời các quan chức EU hôm 27/5 cho biết khối này dự định sẽ miễn trừ cấm vận cho hình thức giao dầu qua đường ống để có thể giành được cái gật đầu đồng ý của Hungary.

Hungary là quốc gia không có đường biển và phụ thuộc nhiều vào dầu khí nhập khẩu từ Nga, do đó lệnh cấm vận dầu Nga sẽ khiến nước này gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng ví đề xuất cấm dầu của Nga do EU đưa ra sẽ tạo ra một cú sốc không khác gì "giáng bom hạt nhân" vào nền kinh tế của Budapest.

Tuy nhiên, các nguồn tin của CNA kỳ vọng rằng với việc chia lệnh cấm vận làm hai hướng có thể giúp đại sứ của các nước EU đạt được thỏa thuận tại Brussels vào ngày 29/5 tới, vừa kịp thời gian để các nhà lãnh đạo EU biểu quyết tại hội nghị thượng đỉnh ngày 30-31/5.

CNA dẫn lời một quan chức EU cho hay: "Ý tưởng là tách lệnh cấm vận dầu Nga thành 2 hướng: đường ống và đường biển. Việc vận chuyển qua đường ống sẽ được miễn trừ thêm một thời gian nhằm tạo điều kiện cho EU sắp xếp giải pháp thay thế."

Cấm vận dầu Nga: EU nỗ lực tìm đường thoát bế tắc; 2 nước châu Á mua mạnh dầu Nga giảm giá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong tuần này, chánh văn phòng Thủ tướng Hungary, ông Gergely Gulyas, chia sẻ với Reuters rằng đất nước của ông cần từ 3,5 đến 4 năm để chuyển hướng khỏi nguồn dầu thô của Nga và đầu tư các khoản lớn để điều chỉnh nền kinh tế.

Hungary cho biết họ sẽ cần khoảng 750 triệu euro (804 triệu USD) tiền đầu tư trong ngắn hạn để nâng cấp các nhà máy lọc dầu và mở rộng đường ống dẫn dầu từ Croatia.

Nước này cũng cho biết thêm rằng việc chuyển đổi dài hạn nền kinh tế để thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga có thể tiêu tốn tới 18 tỷ euro và họ đang tìm cách để được EU cấp vốn cho quá trình chuyển đổi đó.

Các biện pháp trừng phạt do Ủy ban châu Âu đề xuất yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên nhất trí để có thể được thông qua.

Châu Á lần đầu vượt Châu Âu về khối lượng dầu mua từ Nga

Trang tin Bloomberg (Mỹ) trích dẫn dữ liệu của công ty phân tích Kpler có trụ sở tại Singapore cho biết: Châu Á đã lần đầu tiên vượt qua châu Âu để trở thành khách mua lớn nhất đối với mặt hàng dầu mỏ của Nga trong tháng 4/2022, và khoảng cách được dự kiến sẽ còn nới rộng thêm trong tháng 5 này.

Khoảng 71,7 triệu thùng dầu thô của Nga đã được chuyển đến châu Á trong tháng 4, nhiều hơn gấp đôi so với số lượng Nga vận chuyển đến khu vực này trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đông Âu hồi tháng 2 năm nay.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây và lời đe dọa cấm vận dầu mỏ đã buộc Moskva phải chuyển hướng các chuyến hàng và theo Kpler, các chuyến hàng từ Nga đến châu Á đang tăng rất nhanh.

Theo nhà phân tích Jane Xie, một số người mua hoặc khách hàng tiềm năng ở châu Á "quan tâm tới động cơ kinh tế hơn là quan điểm chính trị".

Bà Xie cho hay, dầu từ Nga bán cho 2 khách hàng lớn nhất tại châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4, phần lớn là do lượng mua từ Ấn Độ tăng lên.

"Mặc dù lượng giao hàng trong tháng này có thể sẽ thấp hơn một chút, nhưng chúng sẽ chỉ thua kỷ lục của tháng trước", - bà Xie nói thêm.

Cấm vận dầu Nga: EU nỗ lực tìm đường thoát bế tắc; 2 nước châu Á mua mạnh dầu Nga giảm giá - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hầu hết dầu chuyển hướng của Nga đã được chuyển đến Ấn Độ và Trung Quốc. Nga gần đây đã đưa ra mức chiết khấu "khủng" 25% đối với mặt hàng dầu mỏ của họ, và các phương tiện truyền thông đưa tin rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đã âm thầm mua dầu giá rẻ trong những tuần gần đây.

Châu Á mua dầu Nga bằng đường biển. Theo Bloomberg, Trung Quốc đang mua dầu Nga theo cách đặc biệt: họ điều các tàu nhỏ đến các tàu chở dầu khổng lồ của Nga trên biển, và hoạt động mua bán diễn ra trực tiếp trên biển.

Bloomberg đánh giá việc mua bán trực tiếp từ tàu này sang tàu khác của Trung Quốc khá mạo hiểm, tuy nhiên sau khi Nga bị phương Tây đồng loạt giáng nhiều đòn trừng phạt, nhiều chủ tàu và công ty bảo hiểm đã và đang từ chối xử lý dầu của Nga, khiến người mua Trung Quốc lựa chọn hình thức mua bán nêu trên.

Các nhà môi giới tàu nói với Bloomberg rằng việc mua bán giữa các tàu cho phép nhà cung cấp và người mua triển khai đội tàu của họ một cách hiệu quả hơn, nhưng đổi lại, rằng quá trình này mất nhiều thời gian hơn để dầu đến tay người mua và chi phí sẽ cao hơn.

Kho khí đốt khổng lồ ở châu Âu có nguy cơ trống rỗng?

Bloomberg dẫn lời các quan chức năng lượng ở Vienna cho hay, cơ sở dự trữ khí đốt dưới lòng đất Haidach ở Áo có nguy cơ không được bổ sung khí đốt trước mùa lạnh tới do xung đột giữa Berlin và Moskva về việc công ty con của tập đoàn Gazprom tại Đức bị chính quyền sở tại kiểm soát.

Kho khí đốt Haidach tọa lạc tại Áo, nhưng được được kết nối với mạng lưới khí đốt của Đức và nhận khí đốt của Nga từ đó. Đây là một trong những kho khí đốt lớn nhất châu Âu, có thể đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu khí đốt hàng năm của Áo.

Tuy nhiên kho dự trữ khí đốt này đã ở trong tình trạng trống rỗng trong một khoảng thời gian gần đây.

Được biết, công ty Germania - công ty con của Gazprom tại Đức- sử dụng một phần của cơ sở dự trữ khí đốt Haidach, tuy nhiên Moskva đã ngừng cung cấp khí đốt cho Germania sau khi Đức tuyên bố kiểm soát công ty này với lí do liên quan đến các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Haidach có tầm quan trọng chiến lược đối với cả Đức - quốc gia dự trữ khí đốt tại cơ sở này - và Áo, do Đức bơm một phần khí đốt từ địa điểm này đến các vùng Tyrol và Vorarlberg của Áo.

Đầu tháng này, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã kêu gọi Gazprom nạp thêm khí đốt cho kho dự trữ vì đây là nơi quan trọng về mặt chiến lược. Ông Nehammer cũng cảnh báo rằng Áo có thể quốc hữu hóa địa điểm này và chuyển giao cho các nhà cung cấp khí đốt khác.

Được biết, hôm 27/5, Thủ tướng Nehammer đã nhắc lại lời cảnh báo nói trên trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cấm vận dầu Nga: EU nỗ lực tìm đường thoát bế tắc; 2 nước châu Á mua mạnh dầu Nga giảm giá - Ảnh 3.

Bloomberg cho hay Vienna đã và đang rất nỗ lực tìm cách nạp đầy kho dự trữ khí đốt.

Áo nhập khẩu khoảng 80% khí đốt từ Nga và đã nhiều lần nói rằng việc mất đi nguồn cung khí đốt Nga sẽ là thảm họa đối với nước này. Nhưng để làm được điều này mà không có Đức, nước này cần phải tìm cách kết nối Haidach với mạng lưới khí đốt của Áo, và đây có thể là một thách thức.

Theo nhà điều hành Gas Connect của Áo, nước này sẽ phải "bắc cầu" liên kết giữa mạng lưới khí đốt trong nước và kho dự trữ Haidach, một điều có thể kéo dài trong nhiều năm do thủ tục giấy tờ, một nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Áo cũng có thể mở thầu để các nhà cung cấp khí đốt khác có thể lấp đầy kho dự trữ, dù các nguồn tin của Bloomberg cho biết phương án này vẫn chưa được thông qua.

Liên quan đến vấn đề khí đốt tại Áo, mới đây tờ Kronen Zeitung dẫn nguồn từ Liên đoàn Công nghiệp Áo đưa tin, việc Nga khóa van khí đốt sang Áo sẽ là "đòn giáng mạnh" đối với người dân nước này, vì nó sẽ đe dọa khoảng 300.000 việc làm.

Chủ tịch của liên đoàn, Georg Knill, đánh giá mối nguy Áo bị Nga "khóa van" không quá lớn, mà vấn đề phụ thuộc vào quyết định của EU về ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. Khối này trước đó đã cam kết từ bỏ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040-2050.

Ba Lan đang cạn kiệt than

Đài RT (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài sản Quốc gia Ba Lan Piotr Pyzik cho biết các công ty của nước này đã hạn chế việc bán than sau khi đình chỉ việc nhập khẩu từ Nga.

Theo đó, ông Pyzik nói rằng nhu cầu về nguyên liệu trong nước đang vượt xa sản lượng nội địa: "các công ty đang hạn chế bán hàng để cung cấp nhiên liệu cho mùa lạnh tiếp theo cho càng nhiều khách hàng càng tốt".

Cấm vận dầu Nga: EU nỗ lực tìm đường thoát bế tắc; 2 nước châu Á mua mạnh dầu Nga giảm giá - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Vị quan chức này cũng thừa nhận tình hình trong nước đang gặp khó khăn, người tiêu dùng cũng khó mua than.

Lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga cũng đã dẫn đến tình trạng đầu cơ giá cả. Truyền thông Ba Lan đã đưa tin về hình ảnh những người dân xếp hàng dài gần các kho than do nhu cầu tăng mạnh, dù đã hết mùa đông.

Trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt, nhiều chủ hộ đã buộc phải mua than từ những người bán lại với giá 2.500 - 3.000 zloty/tấn (700-800 USD), cao hơn nhiều so với giá chính thức khoảng 1.000 zloty (234 USD).

Ba Lan đã nhập khẩu than của Nga trong nhiều năm - lượng than đá nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 20% ​​lượng tiêu thụ nội địa của quốc gia này. Năm 2020, Ba Lan đã nhập khẩu khoảng 9,4 triệu tấn than và chủ yếu được sử dụng để sưởi ấm cho các hộ gia đình cá nhân. Quốc gia này cũng nhập khẩu khoảng 50% lượng khí đốt và hơn 60% lượng dầu thô từ Nga./.

https://soha.vn/cam-van-dau-nga-eu-no-luc-tim-duong-thoat-be-tac-2-nuoc-chau-a-mua-manh-dau-nga-giam-gia-20220528014101602.htm

Theo Hồng Anh

Tổ Quốc

Trở lên trên