MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân bằng công việc & cuộc sống kiểu Stockholm - Thụy Điển: Thoải mái nghỉ làm nếu con ốm, tự do đi muộn về sớm, chẳng lo sếp mắng hay giảm lương

05-12-2021 - 19:00 PM | Sống

Với các chính sách nghỉ phép và giờ làm linh hoạt, thủ đô của Thụy Điển luôn tự hào khi có một lực lượng lao động thật sự chất lượng và làm việc hiệu quả. Các thành phố khác có thể học hỏi điều gì?

15h30 đã có lác đác vài nhân viên bắt đầu rời khỏi trụ sở làm việc của "gã khổng lồ" CNTT ở Stockholm, Ericsson.

John Langared, một lập trình viên 30 tuổi, đang vội vàng lên đường đón con gái đi học về.

Sai Kumar, một người gốc Ấn Độ cũng phải thay vợ đi đón con vì cô ấy đang bận tham gia một lớp học tiếng Thụy Điển. Ylva thì đến phòng tập thể dục để rèn luyện sức khỏe. Còn Sumeia Assenai, 30 tuổi đến làm việc từ lúc 7 giờ sáng nên sẽ được phép về sớm theo quy định "giờ làm linh hoạt" của công ty.

Các nhà chức trách địa phương đã đánh dấu giờ cao điểm của thành phố bắt đầu từ lúc 3 giờ chiều, thời gian mà các bậc cha mẹ bắt đầu rời công ty để đi đón con cái của họ và kết thúc vào lúc 6 giờ tối.

Theo kết quả cuộc khảo sát gần đây của HSBC, linh hoạt trong thời gian làm việc là một trong những lý do quan trọng khiến Thụy Điển trở thành nước đứng đầu trên thế giới về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. OECD cũng cho biết: Chỉ có khoảng 1,1% nhân viên của quốc gia này đang làm việc trong nhiều giờ, tỷ lệ này thấp thứ hai trong số 38 quốc gia tham gia tổ chức.

Và có lẽ, đó chính là đáp án cho câu hỏi: Bạn sẽ làm gì nếu con em của mình tan học vào lúc 3 giờ, nhưng bạn lại phải làm việc đến 5 giờ chiều?

Langared cho biết các đồng nghiệp và quản lý của anh không bao giờ đưa ra bất kỳ một bình luận nào vào những ngày mà anh rời khỏi bàn làm việc ngay sau 3 giờ chiều: "Họ hoàn toàn đồng ý với điều đó. Về cơ bản, tôi xử lý thời gian của mình theo cách mà tôi muốn. Họ cần tôi hoàn thành công việc, nhưng làm việc đó vào giờ nào lại do tôi quyết định."

Nếu con gái bị ốm, anh ấy sẽ gửi email vào buổi sáng và nói rằng mình cần phải đi khám bệnh. Nó dường như đã trở thành một "quy ước ngầm" ở Thụy Điển để có một ngày nghỉ và chăm sóc cho những đứa trẻ.

Fredrik Lindstål, Phó thị trưởng Quản lý người lao động của thành phố cho biết sự linh hoạt trong thời gian làm việc của các nhà tuyển dụng ở Stockholm đã giúp thành phố này thu hút được đông đảo lực lượng lao động có trình độ học vấn cao. Ông nói: "Thành phố đang tích cực quảng bá Stockholm như một nơi hoàn hảo để lập gia đình mà vẫn có thể thăng hoa trong sự nghiệp."

Robin Bagger-Sjöbäck, người làm việc tại Carnegie, ngân hàng đầu tư hàng đầu của Thụy Điển cũng là một trong những người bị thu hút bởi điều đó.

Cân bằng công việc & cuộc sống kiểu Stockholm - Thụy Điển: Thoải mái nghỉ làm nếu con ốm, tự do đi muộn về sớm, chẳng lo sếp mắng hay giảm lương - Ảnh 2.

Sau ba năm phải làm việc liên tục từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày tại ngân hàng Pháp Crédit Agricole, London thì năm 2014, anh đã quyết định chuyển đến Stockholm.

Anh cho biết: "Rất nhiều người Bắc Âu khi đến 30 tuổi sẽ rời khỏi London để tiến tới hôn nhân. Họ và gia đình của mình thường có xu hướng chuyển đến Stockholm, Copenhagen hoặc Oslo."

Johanna Lundin, Giám đốc điều hành của Equalate cho biết sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở Stockholm bắt nguồn từ nỗ lực 50 năm Thụy Điển thúc đẩy đối xử bình đẳng giới. Bà nói: "Việc tạo ra một xã hội mà trong đó cả đàn ông và phụ nữ đều có vai trò bình đẳng trong việc chăm sóc trẻ em là một yếu tố rất quan trọng. Điều này cho phép phụ nữ tự lập nghiệp, chủ động hơn trong cuộc sống, đồng thời cũng tạo điều kiện để những người đàn ông có thời gian đồng hành, theo sát sự phát triển của con cái họ".

Hầu hết các công ty ở Stockholm đều có quy định linh hoạt về thời gian làm việc, họ chỉ yêu cầu nhân viên của mình có mặt tại văn phòng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều hoặc đôi khi là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Theo luật pháp Thụy Điển, người lao động có quyền nghỉ cả ngày để chăm sóc một đứa trẻ và nhà nước sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho họ 80% số tiền lương ngày hôm đó.

Không những thế, tại đây còn có một hệ thống chính sách nghỉ phép riêng dành cho các bậc phụ huynh. Họ sẽ có 480 ngày (gần 2 năm) nghỉ phép có lương để chăm sóc cho mỗi đứa trẻ.

Suốt 2 tháng nay, Bagger-Sjöbäck đã dành thời gian ở nhà, chăm sóc con gái và cho biết các đồng nghiệp của anh tại ngân hàng Carnegie cũng đã nghỉ ​5 đến 6 tháng, thế nhưng sự nghiệp của họ vẫn rất ổn định, không có bất kỳ sự ảnh hưởng nào.

Cân bằng công việc & cuộc sống kiểu Stockholm - Thụy Điển: Thoải mái nghỉ làm nếu con ốm, tự do đi muộn về sớm, chẳng lo sếp mắng hay giảm lương - Ảnh 3.

Martin Vogel và các con của anh ở Södermalm.

Martin Vogel, quản lý sân khấu tại Nhà hát kịch Hoàng gia Stockholm chia sẻ rằng: "Nếu đã từng làm cha mẹ thì chắc hẳn bạn sẽ hiểu sự khó khăn khi phải đưa đón cùng một lúc hai đứa trẻ tại hai trường học với địa điểm khác nhau".

Jakob Lagander, COO của công ty CNTT Bắc Âu Pedab than vãn: "Chao ôi, đó là một trận chiến trường kỳ". Dù rất bận rộn, nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, vì ở Stockholm, việc thuê vú em không thực sự được xã hội chấp nhận.

Sau 3 năm làm việc tại công ty CNTT Mỹ IBM, Dublin, Lagander nhận thấy các nhà tuyển dụng ở Thụy Điển tâm lý hơn, thấu hiểu hơn những khó khăn, thách thức mà những người làm cha mẹ phải đối mặt. Anh nói: "Ở Dublin, tôi không thể rời đi trước 4 giờ chiều, tôi có cảm giác rằng ở đây thoải mái hơn rất nhiều."

Ngoài ra, anh cũng cho biết thêm, các giám đốc điều hành ở Thụy Điển luôn cố gắng để hoàn thành công việc của mình một cách nhanh nhất có thể. Một số người Anh khi đến làm việc tại đây đều chia sẻ rằng: "Thói quen nói chuyện trong văn phòng dường như không tồn tại ở Thụy Điển và họ rất hiếm khi tổ chức giao lưu, ăn uống sau giờ làm việc."

Lagander nói: "Làm việc liên tục trong nhiều giờ không hẳn là tốt. Chúng tôi luôn làm chủ được thời gian của mình và tận dụng nó một cách linh hoạt và hiệu quả."

Việc định cư tại Thụy Sĩ đã giúp tôi nhận ra rằng, cuộc sống và văn hóa nơi làm việc của các công ty ở Mỹ tệ ra sao!

Theo Mai Phương

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên