Cần biện pháp điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng
“Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã cho phép áp dụng một số biện pháp điều tra đặc biệt, hy vọng công tác phát hiện, điều tra tham nhũng sẽ có bước chuyển biến mới” - TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp.
- 19-05-2017Chỉ nộp lại tài sản, tội phạm tham nhũng cũng không thể thoát án tử
- 04-07-2016Tội phạm tham nhũng kinh tế luôn tinh vi và phức tạp
- 28-10-2015Chỉ nên xét đặc xá cho tội phạm tham nhũng khi đã nộp ít nhất 80% thiệt hại về tài sản
- 26-08-2015Tội phạm tham nhũng: “Không cần tử hình mà nhốt vào lồng”
- 03-01-2014Tài chính, ngân hàng nhiều tội phạm tham nhũng
Sau 12 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Quốc hội đang tiến hành sửa đổi, bổ sung luật này nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 13, xoay quanh việc sửa đổi luật này.
Kiểm soát tài sản xã hội: Cần một đề án quốc gia
. Phóng viên: Tại cuộc họp của Ủy ban Tư pháp thẩm tra về dự luật PCTN (sửa đổi) mới đây, ông đã nhấn mạnh kiểm soát tài sản là bảo bối PCTN, nếu không kiểm soát được thì PCTN rất khó khăn, hiệu quả không cao. Vì sao ông lại nhận định như vậy?
+ Ông Nguyễn Đình Quyền: Vì kiểm soát tài sản không những là điều kiện tiên quyết quan trọng của PCTN mà còn phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước khác như chống rửa tiền, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại, chống cho vay nặng lãi, chống sở hữu chéo giữa các ngân hàng, chống trốn tránh nghĩa vụ dân sự, chống chứng khoán ảo, chống tín dụng đen mang tính chất lừa đảo…
Việc kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó có cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn là một công cụ quan trọng của quản lý nhà nước và bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm. Chỉ khi kiểm soát được tài sản của mọi người trong xã hội thì tài sản mới không thể dịch chuyển bất hợp pháp được. Ông chủ tịch xã, chủ tịch huyện… không dễ dàng chuyển tài sản bất minh của mình cho những người thân hoặc người khác đứng tên chủ sở hữu.
. Theo quan sát của ông thì các nước có vận hành hiệu quả cơ chế kiểm soát này trong chống tham nhũng?
+ Các nước đều xây dựng và thực hiện công cụ quản lý này. Có nước làm nhanh thì trong khoảng 3-5 năm cơ bản thành công, có nước phải mất 7-10 năm mới xong.
Việt Nam phải bắt tay ngay từ bây giờ, phải có một đề án tầm quốc gia về việc kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn. Nếu không tài sản từ tham nhũng sẽ bị tẩu tán rất dễ, được chuyển từ người nọ sang người kia mà không kiểm soát được. Vì vậy, bất luận thế nào việc sửa đổi Luật PCTN lần này cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để tiến tới kiểm soát tài sản.
Bị cáo Giang Kim Đạt bị xử về tội tham ô tài sản. Ảnh: Đ.MINH
. Đề án kiểm soát tài sản xã hội tầm quốc gia như ông nói, theo ông, với tình hình, điều kiện hiện nay, Việt Nam cần phải thế nào?
+ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nhưng phải có lộ trình ít nhất 3-5 năm. Việc này khó, phải làm đồng bộ từ xây dựng thể chế về minh bạch, kê khai tài sản, kiểm soát sử dụng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng; kê khai thuế, kiểm toán, thanh tra tài chính, cơ chế xử lý tài sản bất minh…
Việt Nam đã làm được việc tổng điều tra dân số thì cũng làm được việc tổng điều tra tài sản của mọi cá nhân, pháp nhân trong xã hội. Để làm được việc này Nhà nước ta cần xây dựng đề án mang tầm quốc gia, làm một cách bài bản, đồng bộ, có lộ trình bước đi phù hợp.
Tôi tin rằng chúng ta quyết tâm làm, dù có khó khăn nhưng được toàn dân ủng hộ thì sẽ thành công. Tôi đã nói về vấn đề này cách đây hơn 10 năm là “chậm còn hơn không”, nếu không làm tốt việc kiểm soát tài sản thì dù chúng ta có cố gắng nhưng công tác PCTN vẫn khó khăn và hiệu quả không cao.
Còn nếu chúng ta chỉ kiểm soát tài sản ở đối tượng cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn thì tài sản sẽ được chuyển hóa cho người thân hay những đối tượng khác. Rất khó…
Cần điều tra đặc biệt với tội phạm tham nhũng
. Ông từng nói tham nhũng là tội phạm ẩn nhưng ta đang chống tham nhũng bằng các biện pháp thông thường như vụ Vinalines, Vinashin, 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào mà không phát hiện được vi phạm. Vậy dự luật cần có quy định gì để khắc phục điều này?
+ Tham nhũng có điểm chung là phần lớn do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó thường được ẩn giấu bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy đối với tội phạm đặc biệt này cần phải có biện pháp đặc biệt và chủ thể đặc biệt để chống tham nhũng. Việc kiểm toán, thanh tra, điều tra đối với những vụ việc liên quan đến tham nhũng thường được tiến hành một cách đặc biệt hơn so với các vi phạm, tội phạm thông thường, từ trình tự thủ tục, phương pháp thực hiện, chủ thể tiến hành đến chế tài áp dụng… cũng phải đặc biệt.
Ví dụ ở Nam Phi, Anh, Úc, New Zealand, Hong Kong… họ có cơ quan điều tra đặc biệt trực thuộc tổng thống hoặc thủ tướng. Cơ quan này có mối quan hệ mật thiết với cơ quan thuế, hải quan, kiểm toán, thanh tra, ngân hàng… Cơ quan này được tiến hành các nghiệp vụ điều tra đặc biệt như nghe, quay video bí mật, các biện pháp kiểm soát đặc biệt khác mà pháp luật cho phép. Điều này giúp họ phát hiện tham nhũng kịp thời, chính xác.
Phát hiện tham nhũng là công việc khó và còn nhiều hạn chế tồn tại trong thời gian qua vì một mặt chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, mặt khác chúng ta vẫn chỉ áp dụng các biện pháp thông thường đối với vi phạm, tội phạm về tham nhũng.
Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã cho phép áp dụng một số biện pháp điều tra đặc biệt, hy vọng công tác phát hiện, điều tra tham nhũng sẽ có bước chuyển biến mới. Tất nhiên các biện pháp điều tra đặc biệt đó phải được thực hiện một cách chặt chẽ theo đúng luật để bảo đảm quyền con người, quyền công dân; phải có đội ngũ điều tra năng lực, chuyên nghiệp, bản lĩnh, giàu kinh nghiệm, phẩm chất tốt và cơ quan điều tra đặc biệt phải được tổ chức một cách khoa học, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
. Hàng loạt đại án đã, đang xử hiện nay trước đó đều có thanh tra, kiểm tra vào cuộc nhưng không phát hiện. Hành lang pháp lý hiện nay có xử lý được trách nhiệm các đoàn thanh tra, kiểm tra này không?
+ Tôi đã đề nghị cần xem xét trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền đã tiến hành kiểm toán, thanh tra, điều tra mà không phát hiện vi phạm, tội phạm về tham nhũng nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra tham nhũng để xử lý. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của từng thiết chế trong công tác PCTN.
Điều này tôi nghĩ xử lý được mặc dù thể chế pháp lý về vấn đề này cũng chưa hoàn thiện, nhưng nếu quyết tâm quy trách nhiệm, truy cho đến cùng thì chúng ta vẫn phát hiện và xử lý được.
. Xin cám ơn ông.
Có nơi cả năm không phát hiện tham nhũng: Đáng lo hơn mừng
Qua tổng kết cho thấy công tác phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế, có những tỉnh, bộ, ngành cả năm không phát hiện một trường hợp tham nhũng nào. Kết quả này khiến chúng ta lo nhiều hơn là mừng bởi vì Đảng, Nhà nước đánh giá tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp. Thực tế tham nhũng chưa giảm mà các thiết chế của chúng ta hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy cần hoàn thiện thể chế, pháp luật và kiện toàn mô hình bộ máy các cơ quan chuyên trách về PCTN.
TS NGUYỀN ĐÌNH QUYỀN
Pháp luật TPHCM