MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cán bộ giàu bất thường, khi kê khai tài sản lại rất ít

31-05-2022 - 07:59 AM | Xã hội

Mặc dù đã có quy định về kê khai tài sản và một vài trường hợp kê khai gian dối đã bị xử lý kỷ luật nhưng dường như thiết chế này chưa hiệu quả.

Cán bộ giàu bất thường, cần giải trình rõ nguồn gốc từ đâu mà có

Thời gian qua, ở một số địa phương, không ít cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng với khối tài sản lớn, sở hữu biệt phủ, siêu xe, vật dụng xa xỉ gây xôn xao dư luận. Mới đây, cựu quan chức một thành phố biển bị khởi tố, bắt tạm giam vì có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Song, điều khiến dư luận tò mò, chú ý không phải vì quan chức này rơi vào vòng lao lý mà vì khối tài sản quá lớn của vị này, từ biệt thự mặt tiền ước đoán gần trăm tỉ đồng cùng dàn cây cảnh độc, lạ và dàn 4 xe sang bị tạm giữ.

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi, với khối tài sản “khủng” này, khi đương chức vị cán bộ này có kê khai hay không? Cơ quan chức năng có kiểm soát được khối tài sản này không?

Theo ông Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, xã hội khuyến khích mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân trở nên giàu có một cách chính đáng. Nếu làm giàu bằng sự năng động, sáng tạo để tạo ra của cải vật chất, góp phần làm giàu cho xã hội, cho đất nước thì phải được khuyến khích nhân rộng và công khai cho công luận được biết. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên nào “giàu bất thường” thì cơ quan chức năng cần làm rõ khối tài sản từ đâu mà có. Nếu tài sản có được từ các nguồn thu nhập không hợp pháp, từ tham ô, tham nhũng thì cần xử lý nghiêm, tịch thu sung công quỹ theo quy định.

“Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành công theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách nghiêm túc để chứng minh nguồn gốc tài sản của cán bộ có được từ đâu. Nếu do tham nhũng mà có thì phải tịch thu, xử lý nghiêm minh; còn nếu không chứng minh được thì phải chấp nhận tài sản của cán bộ” – ông Lý nêu quan điểm.

Nguyên PGĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những “gốc rễ” của việc ngăn chặn hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực chính là phải kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn.

Về mặt thể chế, hiện chúng ta đã có quy định kiểm soát tài sản, thu nhập qua việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hàng năm. Mặc dù đã có quy định và một vài trường hợp kê khai gian dối đã bị xử lý kỷ luật nhưng dường như thiết chế này chưa hiệu quả và không đủ sức kiểm soát tài sản, thu nhập của của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn. Bởi trên thực tế, qua một số vụ việc cho thấy, không ít cán bộ có tài sản lớn nhưng bằng cách này, hay cách khác đã chuyển dịch cho vợ con, người thân, chuyển sang nước ngoài, thậm chí chuyển sang tài sản của đối tượng không bị kê khai.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ để không thể tham nhũng

Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, để cán bộ, công chức không thể tham nhũng thì vấn đề quan trọng là kiểm soát tài sản, thu nhập của họ. Thực tế cho thấy, mặc dù rất cố gắng trong việc triển khai quy định liên quan vấn đề kê khai tài sản cũng như công tác quản lý, kiểm soát sự minh bạch trong kê khai nhưng quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, hiệu quả thấp.

“Trong nhiều năm nay, cán bộ, công chức cả bên Đảng và bên chính quyền đều phải kê khai hàng năm, nhưng một số người bằng cách này, cách khác để lách luật như chuyển tài sản cho vợ, cho con, cho anh em, cho công ty đứng tên chứ bản thân cán bộ không đứng tên. Vấn đề này gây bức xúc trong dư luận và tạo ra sự mất lòng tin của người dân đối với quan chức. Không thể nói câu chuyện ngày nào cán bộ cũng đi làm bằng xe sang nhưng lại là xe của công ty hay sống trong biệt thự hàng trăm tỷ nhưng người khác lại đứng tên. Dù đó là điều khó chấp nhận, nhưng lại là thực tế đang diễn ra”.

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết như vậy, đồng thời nêu ví dụ về trường hợp ông Đinh La Thăng khi cơ quan chức năng kê biên tài sản để định giá thì ông Thăng chỉ có một căn hộ tập thể cũ, sở hữu chung với vợ. Luật sư nhận định, việc thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng là một trong những vấn đề gặp nhiều khó khăn của cơ quan tố tụng hiện nay.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kiểm soát tài sản thu nhập là hạt nhân phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Nếu khâu này yếu thì tất cả các khâu khác sẽ yếu theo.

“Chúng ta vẫn loay hoay trong việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, nhưng chúng ta không kiểm soát các đối tượng ở bên ngoài, thì mãi mãi không hiệu quả” – ông Quyền cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, để kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cần thiết phải ban hành Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, trong đó không những chống được tham nhũng mà còn chống được rửa tiền, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại, cho vay nặng lãi, chống sở hữu chéo giữa các ngân hàng…

Cùng với việc kiểm soát, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như quản lý thuế, thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với những tài sản có giá trị lớn. Đồng thời công khai, minh bạch về tài chính trong hoạt động của Nhà nước, xã hội và công dân bắt buộc đăng ký bất động sản trong các giao dịch, kiểm soát chặt chẽ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mở tài khoản nước ngoài; cải cách chế độ tiền lương ở khu vực Nhà nước.

“Đặc biệt là hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp và hành vi không giải trình được thu nhập tài sản tăng lên một cách bất thường của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn theo khuyến cáo đã được nêu trong Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng” – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến./.

Theo Kim Oanh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên