MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần bổ sung các quy định pháp luật để các TCTD xử lý nợ xấu

16-01-2024 - 07:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu Phạm Đức Ấn phát biểu trước Quốc hội

Đại biểu Phạm Đức Ấn phát biểu trước Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1 Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Ý các các đại biểu cho biết, việc xây dựng các quy phạm pháp luật để xử lý nợ xấu như Chương XII hiện nay thiếu các quy định pháp luật để các TCTD xử lý nợ xấu. Vì vậy các đại biểu rất mong muốn điều khoản này nên lấy lại theo dự thảo đã trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các TCTD của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Phạm Đức Ấn cho biết, liên quan đến Chương XII về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo, hiện nay không còn quy định về thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo như Điều 184 dự thảo luật trình kỳ họp thứ 6. Vấn đề này theo đại biểu, Báo cáo của Chính phủ số 2004 ngày 23/5/2022 tổng kết Nghị quyết 42 về đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42, trong đó có nói Nghị quyết số 42 là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Do đó, việc duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết.

Trong Báo cáo số 906 của của Ủy ban Kinh tế ngày 20/5/2022 cũng đề cập là quan trọng hơn, cùng với ngành ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan từ khi nghị quyết có hiệu lực. Cũng tại báo cáo này đã đưa ra số liệu thống kê là trong giai đoạn Nghị quyết 42 có hiệu lực, khả năng thu hồi nợ xấu tăng lên ở mức 5,67 nghìn tỷ trong một tháng, so với 2,15 nghìn tỷ đồng một tháng trong giai đoạn trước đó. Ngoài ra, tỷ trọng xử lý nợ xấu qua hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ là từ 23% lên 38%.

Như vậy, qua các giải pháp, đặc biệt là giải pháp được giao cho TCTD có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu giữ tài sản để xử lý đã là một biện pháp mạnh mẽ cần thiết để hỗ trợ cho TCTD, như vậy cần phải xem xét. Bởi vì, thu hồi này không phải tạo ra một đặc quyền, đặc lợi gì cho TCTD mà việc thu giữ theo nghị quyết vừa qua là để đảm bảo quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn, vì nếu thu hồi được nợ xấu có nghĩa là có tiền để cho vay những khách hàng khác có nhu cầu.

Ngoài ra, nếu thu hồi được nợ xấu có nghĩa là lợi nhuận của TCTD thu nhập được tăng lên, cũng là cơ sở để TCTD có thể giảm lãi suất cho vay đối với các đơn vị khác, vì vậy tính xã hội rất cao.

“Trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 chưa có một trường hợp nào nói TCTD lạm dụng quy định này gây ra vấn đề gì về mặt xã hội và trong báo cáo thì điều này chúng tôi thấy là hoàn toàn phù hợp, vì vậy rất mong muốn điều khoản này nên lấy lại theo dự thảo đã trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6 vừa qua”, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị.

Đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật các TCTD để đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho rằng, việc thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này là cần thiết. Để góp phần hoàn thiện thêm dự thảo luật, đại biểu tham gia ý kiến đối với Chương XII quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Cần bổ sung các quy định pháp luật để các TCTD xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) đề nghị cần có các quy định để TCTD xử lý nợ xấu

Theo đại biểu, dự thảo luật lần này đã bỏ quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính. Đại biểu đề nghị được giữ nguyên nội dung này như dự thảo tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp trước. Sự cần thiết và phù hợp của Nghị quyết 42, trong đó có các nội dung trên đã được báo cáo và đánh giá trước Quốc hội và Quốc hội đã cho phép kéo dài Nghị quyết 42 đến hết năm 2023, những nội dung như đại biểu Phạm Đức Ấn đã trình bày.

Tại Nghị quyết 42, những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu, có cơ sở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế. Việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật trong việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự do các TCTD muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng và việc này được thể hiện ở những văn bản thỏa thuận giữa 2 bên hay việc kê biên tài sản bảo đảm cũng không trái với quy định pháp luật do những tài sản đó đã được khách hàng thực hiện thế chấp tại ngân hàng theo những quy trình, thủ tục của pháp luật trước khi thực hiện nghĩa vụ. Do đó, việc kê biên tài sản khi thi hành án đối với những nghĩa vụ khác là không phù hợp.

Việc triển khai những nội dung của Nghị quyết 42 đã giúp cho ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, hạn chế tốt việc khách hàng chây ì trả nợ, giúp công tác xử lý nợ xấu được hiệu quả và giảm thực chất.

“Việc xây dựng các quy phạm pháp luật để xử lý nợ xấu như Chương XII hiện nay thiếu các quy định pháp luật để các TCTD xử lý nợ xấu. Dự thảo chủ yếu quy định các quy phạm về mua, bán nợ xấu mà thiếu các quy định pháp lý để các TCTD xử lý nợ xấu theo quan hệ dân sự riêng giữa TCTD và khách hàng, trong khi đây là phương thức xử lý nợ xấu mà các TCTD thực hiện chủ yếu hiện nay. Do vậy, tôi đề nghị giữ nguyên nội dung này giống như dự thảo tại kỳ họp thứ 6 để giúp cho công tác nợ xấu được hiệu quả và đảm bảo tính pháp lý”, đại biểu Nguyễn Việt Hà phát biểu.

Theo Trần Hương

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên