MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần bơm gần 800.000 tỷ đồng ra nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm mới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%

14-11-2023 - 17:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Cần bơm gần 800.000 tỷ đồng ra nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm mới đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%

Giới chuyên gia cho biết, tín dụng thường có sự bứt tốc mạnh trong vài tháng cuối năm, song mục tiêu tín dụng tăng 14% vẫn khó đạt được trong năm 2023.

Theo thông tin mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.

Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, ngành ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng thêm gần 7% nữa mới đạt được mục tiêu. Theo ước tính, ngành ngân hàng cần bơm ròng gần 800 nghìn tỷ đồng tín dụng trong 3 tháng cuối năm thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng 14%.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng năm nay thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp bị giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Nhà điều hành đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Được biết, khả năng hấp thụ tín dụng của lĩnh vực bất động sản yếu hơn trong năm nay là một trong những nguyên nhân chính tác động lớn tới tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. 

Số liệu của NHNN cho biết, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022. Trong đó, tỷ trọng của tín dụng kinh doanh bất động sản là 36% và tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng chiếm 64%.

Đáng chú ý, nguồn vốn tín dụng đang có xu hướng tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường bị sụt giảm. Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, lên tới 21,86%.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, giới chuyên gia cho biết, tín dụng thường bứt tốc trong những tháng cuối năm, nhưng mục tiêu 14-15% sẽ khó đạt được. Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán BSC cho biết, nhìn lại lịch sử từ 2016 đến nay (sau khi ngành ngân hàng bắt đầu có các quy định cụ thể hơn về quản trị rủi ro như Thông tư 41 sửa đổi Thông tư 36 của NHNN), xu hướng tín dụng tăng trưởng yếu ở các tháng đầu năm thường được theo sau bởi sự bứt tốc mạnh mẽ ở cuối năm.

Với kỳ vọng triển vọng nền kinh tế dần trở nên khả quan hơn về cuối năm, BSC tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt khoảng 12%.

Nhìn về 2024, BSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cải thiện lên khoảng 13-14% với kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được duy trì, quy mô giải ngân đầu tư công gia tăng nhờ chi phí vốn và áp lực đáo hạn nợ Chính phủ của Việt Nam đều tương đối thấp, và thị trường bất động sản dần ấm lên.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 theo sẽ tích cực hơn năm 2023 do mặt bằng lãi suất đã giảm là điều kiện cần, tuy nhiên điều kiện đủ là sự phục hồi mạnh hơn của hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng, đáng lưu ý là tín dụng vay mua nhà.

Hải Vân

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên