Cận cảnh công trình của Trung Quốc được vinh danh là tòa nhà thế giới của năm 2023
Công trình này của Trung Quốc được đánh giá cao vì có thiết kế độc đáo và sáng tạo.
- 08-12-2023Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa EU và Nam Mỹ sụp đổ?
- 07-12-2023Lần đầu tiên trong lịch sử: 7 nước hợp lực cho "thần ưng Trái đất" phóng lên Mặt trăng
Ngày 1/12 vừa qua, tại Singapore, Liên hoan Kiến trúc Thế giới (WAF) chính thức trao giải "Tòa nhà Thế giới năm 2023" cho một ngôi trường THPT mang tên Huệ Trinh. Ngôi trường này là trường nội trú ở thành phố Ninh Ba, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
THPT nội trú Huệ Trinh là ngôi trường trọng điểm ở thành phố Ninh Ba, được WAF đánh giá cao vì thiết kế sáng tạo và vượt ngoài khuôn khổ của hình mẫu trường học thông thường.
Ngôi trường này do Approach Design Studio, một công ty kiến trúc có trụ sở ở Hàng Châu và nhóm thiết kế của ĐH Bách khoa Chiết Giang thiết kế. Với tổng diện tích 62.000 m2, trường có cả công viên nằm trên tầng thượng và sân thể thao với đường chạy dài 400 m.
Các khu vực chung nằm trong khuôn viên trường học được các kiến trúc sư thiết kế nhằm làm mờ đi sự khác biệt giữa không gian ở bên trong và bên ngoài.
Tòa nhà bao gồm 4 khu dạy học với 30 lớp (khoảng 1.500 học sinh) được liên kết với nhau nhờ một khu "rừng nổi" ở phía trước và nhìn ra sân thể thao. Khu rừng này có 40 loài thực vật với các lối đi ngoằn ngoèo. Đặc biệt, những cabin được thiết kế giống như nhà cây, nơi cho phép học sinh có thể ngồi nghỉ, tạm thời thoát khỏi gánh nặng học tập.
Approach Design Studio cho biết dù việc hiệu quả học tập cần được chú trọng nhưng trường học cũng cần là nơi truyền cảm hứng cho tư duy tự do. Do đó, trong phần mô tả dự án, các kiến trúc sư đã giải thích rằng thiết kế của trường học này nhằm giúp học sinh giải tỏa căng thẳng, điều chỉnh tinh thần và khám phá cái đẹp ở bên ngoài lớp học.
Mã Địch, giám đốc của nhóm thiết kế, chia sẻ: "Chúng tôi luôn cố gắng khám phá các ranh giới của kiến trúc, đồng thời tạo ra thứ gì đó thú vị. Trọng tâm của chúng tôi không chỉ tập trung vào thiết kế một ngôi trường hay chú trọng vào những loại hình khối, không gian, vật liệu, mặt tiền mới mà còn là thiết kế cuộc sống học đường mới, mang sức mạnh của thiên nhiên vào trong ngôi trường".
Các kiến trúc sư mong muốn thiết kế ra tòa nhà mang đến cho học sinh một không gian thư giãn, giải tỏa căng thẳng giữa các giờ học.
Công trình gây ngạc nhiên và thích thú cho người xem
Danh hiệu "Tòa nhà Thế giới năm 2023" được coi là một trong những giải thưởng hàng đầu trong ngành kiến trúc. Giải thưởng được một hội đồng chuyên gia gồm 140 người đánh giá hàng năm tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới (WAF). Thiết kế của trường THPT nội trú Huệ Trinh đoạt giải Nhất và được ban giám khảo khen ngợi, đánh giá cao do phá vỡ quy ước trong thiết kế trường học.
Ông Paul Finch, Giám đốc chương trình WAF, nhận xét rằng dự án này gây ngạc nhiên và thích thú cho người xem.
Ông Finch nói: "Các kiến trúc đã cố gắng tạo ra ngôi trường rất khác biệt so với mô hình kiến trúc thường thấy, nơi học sinh phải chịu dưới áp lực học tập và trường lớp. Ngược lại, thiết kế này khuyến khích học sinh đi bộ, hít thở không khí trong lành và giải tỏa áp lực học hành".
WAF lấy chủ đề "Catalyst" trong năm 2023. Danh sách cạnh tranh giải thưởng của WAF gồm có 250 dự án, trong đó có nhiều dự án nổi bật như Nhà ga A mới khai trương của sân bay quốc tế Newark Liberty (bang New Jersey, Mỹ), Bảo tàng Holocaust ở Melbourne (Úc), các sân vận động quốc gia mới ở Campuchia và Senegal.
Giải thưởng của WAF có 43 hạng mục, vinh danh những tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên thế giới. WAF không chỉ là giải thưởng hấp dẫn trong lĩnh vực kiến trúc mà còn là nơi thu hút và quy tụ những kiến trúc sư tên tuổi giới thiệu tác phẩm, bệ phóng đưa các tài năng trẻ theo đuổi ước mơ, kiến tạo nên những công trình mang lại nhiều giá trị cho nhân loại.
Bài viết tham khảo nguồn: CTV News, World Architecture
Đời sống & pháp luật