Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới giữa EU và Nam Mỹ sụp đổ?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Brazil Lula. Ảnh: DW
Bất chấp hai thập kỷ đàm phán, hiệp định thương mại tự do giữa EU và khối kinh tế Nam Mỹ Mercosur một lần nữa không được ký kết, khiến các chính trị gia thất vọng.
- 07-12-2023“Cơ hội cuối cùng” của siêu đô thị chìm nhanh nhất thế giới nằm trong tay… tỷ phú mì gói
- 07-12-2023Giáo sư Jeremy Siegel: "Rào cản duy nhất có thể làm chệch đà thăng hoa của chứng khoán là chủ tịch FED Jerome Powell"
- 07-12-2023Tại sao hai tài sản này bật tăng nếu FED cắt giảm lãi suất?
Theo báo Deutsche Welle (Đức), về mặt chính thức, hiệp định thương mại tự do giữa EU và 4 quốc gia thuộc khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay, vẫn chưa bị gác lại vĩnh viễn. Nhưng tại hội nghị thượng đỉnh Mercosur diễn ra cho đến ngày 7/12 tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil, một tuyên bố về thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới một lần nữa đã bị hoãn lại và đang tiếp tục được soạn thảo.
Tờ nhật báo Brazil Folha de S. Paulo cho rằng, thông điệp sẽ là "các cuộc đàm phán về thỏa thuận này không thất bại mà sẽ được tiếp tục bất chấp những tranh cãi trong những ngày gần đây". Ý tưởng là nối lại các cuộc đàm phán ngay sau khi chính trị gia cực hữu Javier Milei nhậm chức tổng thống mới của Argentina vào ngày 10/12 tới, sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử gần đây.
Sự thất bại của các cuộc đàm phán là một bước thụt lùi đối với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người dường như đang hy vọng ký kết hiệp định thương mại tự do trước khi nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Brazil tại Mercosur kết thúc trong tuần này.
“Tôi cảm thấy rằng ông Lula muốn ký thỏa thuận ngay hôm nay hơn là để sau này”, nghị sĩ Đức Knut Gerschau thuộc Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề kinh tế tại Hạ viện Đức, nói.
Tổng thống Brazil đã tới Berlin để tham dự các cuộc tham vấn liên chính phủ giữa Brazil và Đức, lưu ý rằng ông sẽ tiếp tục đấu tranh cho thỏa thuận này vì sẽ là phi lý nếu không ký nó sau hơn 20 năm đàm phán. “Tôi là người Brazil và không bao giờ bỏ cuộc”, ông Lula cam kết trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Các cuộc đàm phán giữa EU và Mercosur được bắt đầu vào năm 2000. Sự thất bại mới nhất được cho là do cuộc bầu cử tổng thống ở Argentina. Ngày 30/11, chính phủ Argentina thông báo với các thành viên Mercosur rằng quyết định về hiệp định thương mại tự do sẽ không được đưa ra trước khi tổng thống mới nhậm chức.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích hiệp định thương mại tự do là "lỗi thời" sau cuộc gặp với Tổng thống Brazil Lula bên lề Hội nghị thượng đỉnh COP 28 ở Dubai.
Nếu được ký kết, thỏa thuận EU - Mercosur sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do với hơn 740 triệu dân, do đó sẽ là khu vực lớn nhất thế giới. Hai khối vốn đã có quan hệ thương mại rất chặt chẽ và theo thống kê của EU, đầu tư của EU vào các nước Mercosur đã tăng từ 130 tỷ euro (140 tỷ USD) năm 2000 lên 330 tỷ USD (356 tỷ USD) vào năm 2020.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không chỉ nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại, Samina Sultan, nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Đức (IW) ở Berlin, giải thích trong phân tích của mình rằng “các nước thuộc Mercosur là những đối tác quan trọng về mặt giá trị”.
Santiago Pena, Tổng thống Paraguay, người tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của Mercosur từ Brazil trong tuần này, đổ lỗi cho EU về sự thất bại của các cuộc đàm phán. Ông nói với kênh truyền hình Gen của Paraguay rằng EU không quan tâm đến thỏa thuận và do đó đang áp đặt những điều kiện không thể thực hiện được, đặc biệt là liên quan đến môi trường.
Vào tháng 9, Tổng thống Pena đã thông báo rằng Paraguay sẽ tìm kiếm các đối tác thương mại khác, chẳng hạn như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Singapore.
Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva cũng đã lên tiếng chỉ trích EU. Bà Silva lấy làm tiếc vì "EU luôn đối xử với chính quyền của Tổng thống Lula như thể đó là chính quyền của cựu Tổng thống [Jair] Bolsonaro". Bà chỉ ra rằng mặc dù chính quyền Brazil hiện nay không quan tâm đến "Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, môi trường và quyền của người bản địa", nhưng đã "giảm nạn phá rừng ở Amazon xuống 48% trong bảy tháng đầu năm 2023".
Báo Tin Tức