Cận cảnh cuộc sống của người dân gần khu cách ly
Nhiều tòa nhà ở Hà Nội được "mượn" làm khu cách ly tập trung mới, tuy đã rào chắn nhưng vẫn ảnh hưởng đến tâm lý của người dân sống tại các khu vực cách lý. Người lo lắng, nhiều hộ gia đình di dời sang tạm chỗ ở mới, nhiều người lại cảm thấy vô tư và tin tưởng vào công tác phòng dịch cách ly.
- 23-03-2020Sinh viên dùng xe bò chở đồ đạc 'nhường' ký túc xá làm khu cách ly
- 22-03-2020Hà Nội lập thêm nhiều khu cách ly để đón 20 ngàn người về từ vùng dịch Covid-19
- 21-03-2020[ẢNH] Cách ly 14 ngày với gần 100 du học sinh bay từ Mỹ về nước tại Khu nhà ở sinh viên Tứ Hiệp
- 21-03-2020Bên trong khu cách ly có sức chứa 4.000 người ở Hà Nội
Để phòng chống Covid-19, Hà Nội "mượn" tòa nhà A1 khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp làm nơi cách ly tập trung. Tòa nhà có quy mô 19 tầng nổi, 1 tầng hầm. Các tầng có 14 phòng ở và 1 phòng sinh hoạt chung, mỗi phòng có khoảng 8 giường. Công suất tiếp nhận tại toà nhà này khoảng 2.000 trường hợp. Khu cách ly tập trung này tiếp nhận người Việt Nam từ nước ngoài về từ ngày 20/3.
Nằm ngay sát vách khu cách ly tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp, cuộc sống của người dân tại khu nhà ở NƠ 18, KĐT Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bị đảo lộn. Ghi nhận của PV, khu kinh doanh bán hàng tại tầng 1 đóng cửa hàng loạt, sân vui chơi không còn một bóng người, đường xá vắng lặng, nhiều người sống tại đây đã tạm di dời sang khu khác, một số người ở lại vô tư ở lại.
Anh T. sống tại NƠ 18 KĐT Pháp Vân chia sẻ, từ ngày thành lập khu tập trung trên vẫn chưa quen được nhịp sống tại đây. "Tôi cũng rất lo lắng khi nghe thông báo. Cuộc sống tại đây thay đổi chóng mặt sau khi cơ quan chức năng rào khu cách ly, tôi không còn tìm được chỗ đỗ xe, sân chơi trẻ em không còn bóng người nào, các lối vào của chung cư đóng lại chỉ để lại một cửa, hàng xóm nhà tôi chuyển đi hết, giờ muốn mua gì, ăn gì đều phải đi xa mới có", anh T. nói.
"Tôi cũng rất lo lắng bởi vì trong số những người về kia sẽ có một số người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19. Tuy nhiên tôi thấy lực lượng chức năng đã rào chắn, kiểm soát tốt nên phần nào tôi cũng yên tâm hơn khi ở đây", anh Ngọc, sống tại NƠ 18 KĐT Pháp Vân chia sẻ.
"Lực lượng chức năng phong tỏa và kiểm soát hết rồi nên không có gì phải lo lắng quá, người thân bảo tôi di dời nhưng tôi thấy ở đây không sao cả, vẫn có thể tiếp tục buôn bán", chủ quán nước chia sẻ.
Chủ của một cửa hàng ăn cạnh khu cách ly chia sẻ, lượng khách đến quán đã giảm đi hẳn từ Tết đến giờ. "Từ đầu năm đến giờ quán ít khách do sinh viên nghỉ dài, giờ thêm khu cách ly ngay cạnh nữa nên hầu như không khách. Giờ quán có mình tôi làm, nhân viên đã cho nghỉ hết", người này nói.
Khu vực xung quanh khu cách ly tại khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II chịu cảnh tương tự. Nơi vốn nhộn nhịp kẻ ra người vào với nhiều hàng quán xung quanh giờ trở nên vắng tanh, các lối đi cũng không còn một bóng người. Sinh viên chuyển từ đơn nguyên 3, 4, 5 sang đơn nguyên 1, 2 để sinh hoạt tạm thời song dần chuyển đi nơi khác.
"Khi nhận được thông báo lấy 3 tòa làm khu cách ly các bạn chuyển sang đơn nguyên 1,2 ở tạm. Ở bên này em cảm thấy không lo ngại lắm vì khu cách ly đã được phong tỏa và kiểm soát việc ra vào. Tuy nhiên xung quanh hàng quán đóng hết nên việc ăn uống, mua đồ dùng cá nhân lại khó khăn. Ở cùng tòa với em nhiều bạn đã chuyển đi do lo ngại", bạn Trung, sinh viên năm cuối ĐH Hòa Bình chia sẻ.
Tiền Phong