MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cận cảnh những tòa nhà "chết đứng" từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011

16-01-2023 - 06:01 AM | Bất động sản

Cận cảnh những tòa nhà "chết đứng" từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011

Đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 đã khiến nhiều dự án phải dừng triển khai. Sau hơn 10 năm, trải qua thời kỳ hồi phục, phát triển rồi tiến đến thời kỳ suy thoái mới, những tòa nhà này vẫn không hẹn ngày về đích.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 1.

Rải rác khắp Hà Nội, tại nhiều vị trí “đất vàng" trên các trục đường lớn có những dự án bất động sản dở dang đã đứng sừng sững như những “bộ xương khô" cao hàng trăm m từ đợt vỡ bong bóng bất động sản hơn 10 năm trước.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 2.

Nằm tại vị trí đắc địa trên đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), dự án Apex Tower là một minh chứng cho đợt vỡ “bong bóng” bất động sản hơn một thập kỷ trước. Dự án này do Công ty Cổ phần tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty Cổ phần tu tạo và phát triển nhà làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 15 triệu USD. Được biết, dự án khởi công từ năm 2008 với quy mô 2.780 m2, gồm 27 tầng và 3 tầng hầm. Tuy nhiên, sau 15 năm xây dựng, dự án này mới chỉ xong phần thô, hiện đang nằm “đắp chiếu” khiến nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 3.

Sai phạm trong quá trình thi công cùng những khó khăn về tài chính là một trong những nguyên nhân khiến Apex Tower không thể tiếp tục triển khai theo đúng kế hoạch. Việc dừng thi công này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị. Sau nhiều năm bỏ hoang, nơi này bị trưng dụng làm bãi đỗ xe, hàng bán trà đá…

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 4.

Nằm đối diện Apex Tower là dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower). Dự án này được phê duyệt trên lô đất rộng 8.476 m2 bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và bốn tầng hầm tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy. Tòa cao ốc được cấp phép xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tòa nhà do Tổng công ty Xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn là 2.743 tỷ đồng. Đã một thập kỷ trôi qua, tòa tháp mới chỉ hoàn thiện phần thô, nằm “trơ xương” cạnh đường vành đai 3. Các hạng mục bên trong đã dần xuống cấp, sắt thép hoen gỉ. Xung quanh tòa nhà cỏ dại bủa vây.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 5.

Được biết, công trình này đã hoàn thành xong phần thô sau khi ngưng tiến độ từ năm 2015 do Vicem có chủ trương chuyển nhượng cho đối tác khác. Nguyên nhân của việc chuyển nhượng là do trong khi lập, phê duyệt dự án, Vicem đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng tại thị trường Hà Nội. Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 6.

Một dự án khác cũng bị bỏ hoang nhiều năm là Habico Tower (288 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm) do Công ty cổ phần Hải Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 220 triệu USD. Dự án được xây dựng trên khu đất hơn 4.490 m2, với quy mô 2 tòa tháp có chiều cao 180 m, gồm 4 tầng hầm và 36 tầng nổi. “Siêu dự án” được khởi công từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011. Khi "chào sân" thị trường bất động sản Thủ đô năm đó, một căn chung cư tại dự án này được “hét” giá cao nhất lên tới 85 tỷ đồng, căn thấp nhất cũng có giá 21 tỷ đồng.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 7.

Được biết, vào tháng 5/2011, công trình đang thi công thì bất ngờ gặp sự cố khiến khối bê tông sàn bị vỡ. Sau vụ việc đó, chủ đầu tư Hải Bình và nhà thầu Doosan đã xảy ra nhiều vướng mắc, xung đột. Đến tháng 8/2011, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng tại Tòa tháp này và phát hiện nhiều sai phạm, phải dừng triển khai. Từ đó đến nay, tòa tháp trăm tỷ vẫn bỏ không, trơ trọi giữ “đất vàng” Thủ đô.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 8.

Nằm trơ trọi cạnh chân cầu Thăng Long, trước mặt khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ), tòa tháp đôi Vietinbank cũng chung số phận với những tòa cao ốc trên. Trung tâm thương mại tài chính Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank Tower) có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 30.000 m2, bao gồm 2 tòa 48 và 68 tầng. Với chiều cao 363 m, tháp VietinBank Tower sau khi hoàn thành dự kiến sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất Hà Nội. Khởi công rầm rộ từ năm 2010 nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều hạng mục công trình vẫn dở dang.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 9.

Nguyên nhân “đắp chiếu” dự án được lãnh đạo ngân hàng Vietinbank lý giải do lộ trình tăng vốn chưa được phê duyệt, dẫn tới nhiều vướng mắc, khó để tiếp tục dự án. Theo đó, cuối năm 2018, ngân hàng Vietinbank đã họp đề ra phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án. Phía ngân hàng sẽ chỉ thuê lại 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Hết thời gian thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể. Ngân hàng này đã mời các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tài chính quan tâm đến công trình. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn chưa có tiến triển gì, nằm im lìm, bất động giữ khu đô thị sầm uất.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 10.

Nằm tại vị trí đắc địa, ngay ngã tư phố Duy Tân và Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), chung cư N01 - D17 Duy Tân cũng lâm vào tình cảnh “chết yểu” hơn chục năm nay. Dự án tái định cư N01 - D17 Duy Tân do UBND quận Cầu giấy làm chủ đầu tư với tổng vốn lên đến 223,5 tỷ đồng. Tòa nhà này được khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013, với quy mô 02 tầng hầm và 15 tầng nổi. Tuy nhiên, sau khoảng 13 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn thiện và đang dần xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Cận cảnh những tòa nhà chết đứng từ đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011 - Ảnh 11.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ là do dự án chưa được cấp đủ số vốn theo kế hoạch. Ban quản lý dự án đã đề nghị thành phố Hà Nội bố trí vốn qua các giai đoạn thi công theo năm 2011 là 80 tỷ đồng, từ năm 2012 - 2015 mỗi năm 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2013, dự án bị ngừng cung cấp vốn khiến công trình phải dừng hoàn toàn. Từ đó đến nay, khu chung cư trở thành một biểu tượng "cô độc" ngay cạnh con đường sầm uất của Thủ đô.

Bài và ảnh: Thuý Hà

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên