MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam phục hồi trở lại với nhiều điểm sáng. Nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu trong nước đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam lên mức 6 - 6,3%. Tuy nhiên, các tổ chức cũng khuyến nghị, để tăng trưởng bền vững, cần nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Lạc quan

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 6 - 6,3%, cao hơn nhiều so với dự báo đưa ra vào cuối năm 2020. Theo VEPR, yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng, gồm: kỳ vọng từ việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tiến độ giải ngân và thi công dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn.

Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 2021-2023. Theo đó, tăng trưởng GDP của 3 năm từ 2021 đến 2023 ở kịch bản “bình thường” lần lượt là gần 9,9%; 6,4% và 6,6%. Trung bình giai đoạn 3 năm là 6,3%. Ở kịch bản nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ, GDP tăng 6,4%; 6,8% và 6,8%; trung bình 3 năm là 6,7%. Ở kịch bản 3, GDP tăng lần lượt ở mức 6,47%; 6,9% và 6,9% với trung bình cả giai đoạn 3 năm tăng ở mức 6,76%.

Giai đoạn 2021 - 2023, CIEM kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục triển khai phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021. Bước sang năm 2022, kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Năm 2023, rút dần 5 giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế.

Không chỉ cơ quan nghiên cứu trong nước, các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Cuối tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Thế giới cũng công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương với nhận định tích cực. Theo báo cáo này, kinh tế Việt Nam phục hồi theo hình chữ V và dự báo đạt mức tăng trưởng 6,6% năm 2021.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 6,5% năm 2021 và đạt mức 7,2% vào năm 2022. Sự tăng trưởng này dựa trên nền tảng vững vàng của năm 2020 và nhờ giải pháp quyết liệt cả về kinh tế và y tế của Chính phủ.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) kiến nghị, nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với đó là cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Dù được dự báo nhiều điểm sáng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2020, song cộng đồng DN - một trong những động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, theo các khảo sát gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, niềm tin kinh doanh của DN dao động mạnh. Dịch bệnh khiến nền kinh tế trở nên bất trắc, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển của DN. Tỷ lệ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mở rộng kế hoạch sản xuất kinh doanh giảm dần. Đáng chú ý, các DN FDI phản ánh vẫn còn tình trạng phải chi trả phí không chính thức khi thực hiện thủ tục đất đai.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5-7%, Chính phủ, bộ, ngành phải nỗ lực rất lớn. Trong đó, phải có biện pháp đưa tăng trưởng quý 2 đạt 7,3-7,4%, quý 3 và quý 4 đạt 6,3-6,8%.

“Ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho DN đã phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ DN còn hoạt động. Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ là một lợi thế cho DN xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần chú trọng hỗ trợ các nhóm DN này như động lực tăng trưởng cho năm 2021”, ông Lực kiến nghị.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) kiến nghị, nếu chỉ nới lỏng chính sách tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với đó là áp lực lạm phát lớn hơn. Nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ cùng với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và góp phần đáng kể cải thiện năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

Trở lên trên