Cần chủ động với tỉ giá
Tỉ giá mấy ngày qua, nhất là kể từ khi đã rõ kết quả bầu cử Tổng thống ở Mỹ, đã có xu hướng tăng (VND giảm giá so với USD) đáng kể.
- 15-11-2016Ngân hàng nào đang huy động ngoại tệ nhiều nhất?
- 15-11-2016Hàng loạt ngân hàng tiếp tục tăng giá USD
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Về nguyên nhân, lần này áp lực tăng tỉ giá VND không còn gì bí ẩn, đáng tranh luận như những lần trước nữa, vì hầu như ai cũng phải thừa nhận rằng sự mạnh lên của USD so với các ngoại tệ chủ chốt khác như Euro, Bảng Anh, Yen Nhật và Yuan (Nhân dân tệ) Trung Quốc là nguyên nhân chính đằng sau áp lực tăng tỉ giá VND.
Tuy vậy, cũng như nhiều lần trước, so với mức mất giá đến vài điểm phần trăm của các đồng tiền chủ chốt trên với USD, sự mất/giảm giá của VND với USD vẫn còn là quá nhỏ, chỉ vài chục điểm cơ bản (từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm chỉ tăng 0,7%). Một số người cho rằng tỉ giá VND ổn định vì nguồn cung ngoại hối tiếp tục dồi dào, Việt Nam tiếp tục xuất siêu, thặng dư cán cân thương mại v.v… Điều này là đúng nhưng chưa phải là nguyên nhân cơ bản.
Nhiều người đã nhìn ra rằng lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong mấy ngày qua, và thực tế là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng mạnh lãi suất tín phiếu của mình để hút tiền đồng về qua kênh thị trường mở OMO. Mục đích của việc siết cung tiền đồng là nhằm nâng đỡ sức hấp dẫn tương đối của tiền đồng với USD, từ đó nhằm ổn định tỉ giá.
Cung tiền đồng bị siết lại làm lãi suất bị “neo” ở mức cao đương nhiên sẽ dẫn đến dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (và chuyển đổi ra VND) để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Nói cách khác, cung USD tiếp tục dồi dào ở Việt Nam không phải là điều tự nhiên có, tự nhiên xảy ra, hay xảy ra vì tính hấp dẫn của nền kinh tế một cách chung chung, mà cụ thể có phần đóng góp đáng kể của lãi suất tiền đồng bị neo cao. Mà như thế thì chuyện nguồn cung USD dồi dào và sự ổn định tỉ giá không phải là một điều hoàn toàn có thể an tâm được.
Cụ thể hơn, như đã phân tích qua, cái giá phải trả cho việc ổn định tỉ giá là lãi suất cao, sẽ tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp khi chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục đứng ở mức cao. Ổn định tỉ giá cũng làm cho tính cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu và kể cả doanh nghiệp sản xuất cho thị trường nội địa thêm lao đao vì hàng hóa nước ngoài, nhất là Trung Quốc khi đồng tiền của nước này liên tục bị mất giá một cách có chủ ý, trở nên rẻ hơn đáng kể, chèn lấn thêm hàng của Việt Nam không chỉ trên thị trường xuất khẩu và còn cả ngay trên thị trường nội địa.
Bởi vậy, cách ứng xử với tỉ giá VND hiện nay cần phải khác với những năm trước. Những năm trước, NHNN luôn ở thế phải chống đỡ chật vật với áp lực phá giá tiền đồng do lạm phát lớn trong khi tỉ giá danh nghĩa bị neo chặt gần như cố định làm tiền đồng bị lên giá thực (real appreciation) tự gây ra áp lực phải phá giá. Sự chống đỡ này có hạn nên NHNN mỗi lần phải điều chỉnh tỉ giá là phải điều chỉnh mạnh và sự điều chỉnh này là hoàn toàn thụ động, tùy thuộc áp lực của thị trường.
Hiện nay, lạm phát đã “dễ thở” hơn, ở mức chấp nhận được trong khi mặt bằng lãi suất đứng ở mức cao so với lạm phát nên áp lực phá giá VND không còn mấy. Nhưng, như đã nói, nếu để VND “vững” giá như hiện tại thì sẽ gây khó cho nền kinh tế, nên NHNN cần thiết phải chủ động trong “cuộc chơi” tỉ giá như các nước khác cũng đã chủ động để bản tệ của họ ít nhất là không lên giá theo USD và với các bản tệ khác, chưa nói đến việc họ còn chủ động để bản tệ của mình yếu đi so với USD nhằm duy trì tính cạnh tranh.
Sự chủ động của NHNN trong việc điều chỉnh tỉ giá có thể dưới dạng NHNN tạm giãn bớt đà bán tín phiếu qua kênh OMO để giãn bớt đà siết cung tiền, và để cho tỉ giá tự điều chỉnh theo hướng VND yếu đi một cách có kiểm soát. Việc để cho VND yếu đi sẽ không làm “giật mình” thị trường hay nhất thiết sẽ tạo ra những cú sốc vì trong bối cảnh hiện tại thì sự ổn định của tỉ giá VND mới là điều lạ, mới là điều mà thị trường và các nhà đầu cơ sẽ chú trọng đến với kỳ vọng sẽ có sự điều chỉnh đáng kể trong tương lai.
Hơn nữa, sự cho ra đời của tỉ giá trung tâm là nhằm tạo ra một tấm đệm giảm sóc để không phải chứng kiến những cú phá giá bắt buộc, dồn nén và lớn như trước đây nên nó cần phải được phát huy tác dụng bằng cách để cho tỉ giá VND dần tăng lên hàng ngày, hàng tuần (nhưng ở mức độ lớn hơn so với hiện tại), tương tự như cách mà Trung Quốc đang làm với đồng Yuan của họ.
Nếu chủ động trong cuộc chơi như vậy thì Việt Nam sẽ có một tỉ giá phù hợp hơn với xu thế chung của thế giới trong khi vẫn kiểm soát được các tác động phụ của việc tiền đồng yếu đi so với USD.