Cần có các giải pháp dài hạn cho thị trường vốn
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, trong bối cảnh phát hành TPDN riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.
Những năm gần đây, với chủ trương của Chính phủ về phát triển thị trường vốn một cách đồng đều và bền vững, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, thị trường TPDN rơi vào tình trạng "đóng băng", gần như không ghi nhận đợt phát hành nào mới đáng kể. Đây cũng là lý do tại sao, chỉ trong vòng nửa năm, Bộ Tài chính đã ban hành liên tục hai Nghị định liên quan tới phát hành TPDN riêng lẻ là Nghị định 65 (tháng 9/2022) và Nghị định 08 (tháng 3/2023). Để góp phần tìm ra một giải pháp căn cơ cho thị trường TPDN thời gian tới, Tạp chí Nhà đầu tư đã có trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV.
Phát hành TPDN vẫn trầm lắng
Trước tiên, xin ông cho biết một vài nhận định, đánh giá về thực trạng thị trường TPDN thời điểm hiện tại?
TS. Cấn Văn Lực: Về hành lang pháp lý, tháng 9/2022, Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành, trong đó quy định chặt hơn về hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trở nên an toàn và phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, Nghị định 65 được đánh giá là cần có thêm thời gian để tuân thủ, cùng với niềm tin suy giảm khiến kênh huy động vốn qua phát hành TPDN chững lại.
Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định trước đó quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với một số bổ sung, thay đổi quan trọng như: Cho phép thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản (bất động sản, tài sản khác); được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; tạm ngưng hiệu lực của các quy định về tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm.... Nghị định 08 được xem là những giải pháp tình thế phù hợp, được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt những rủi ro với lượng TPDN đáo hạn năm 2023 - 2024.
Thống kê cho thấy quy mô thị trường, tổng quy mô phát hành TPDN năm 2022 chỉ đạt khoảng 338 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi trong tháng 3/2023 là gần 26.000 tỷ đồng. Nếu tính chung 3 tháng đầu năm 2023, mới chỉ tương đương 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ số lượng phát hành mới giảm, trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành, tổng giá trị mua lại khoảng 163 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Vậy theo ông, rủi ro, thách thức đối với thị trường TPDN trong thời gian tới là gì?
TS. Cấn Văn Lực: Rủi ro lớn nhất với thị trường TPDN hiện naylà sẽ có một khối lượng lớn TPDN sẽ đáo hạntrong giai đoạn 2023-2024do sự phát triển bùng nổ của thị trường trong giai đoạn 2019-2021.
Theo số liệu của VBMA, năm 2023 sẽ có khoảng 271.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó số lượng của doanh nghiệp bất động sản là khoảng 119.000 tỷ đồng; năm 2024, giá trị trái phiếu đáo hạn khoảng 330.000 tỷ đồng (của doanh nghiệp bất động sản là 110.000 tỷ đồng); tất cả đều chưa tính tiền lãi.
Các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 52 nghìn tỷ đồng TPDN trong năm 2022.Do đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp này cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115 nghìn tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi.Trong khi đó, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp để đảo nợ trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Một bộ phận doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn nguy cơ nợ trái phiếu quá hạn, nếu trái chủ không thiện chí chấp nhận gia hạn hay đổi lấy tài sản khác…
6 giải pháp phát triển thị trường TPDN
Vậy giải pháp cho thị trường TPDN thời gian tới là gì? Liệu những quy định mới được ban hành gần đây đã đủ để tháo gỡ, "phá băng" thị trường?
TS. Cấn Văn Lực: Nghị định 08 mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh,cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô.
Một là,quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Hai là, cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp (đặc biệt là cho những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ) khi phát hành TPDN riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào.
Ba là, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN).
Bốn là, hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo... để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.
Năm là, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn… Tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm.
Thứ sáu, là cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.
Xin cảm ơn Ông!
Nhà Đầu Tư