Cần cơ chế đặc biệt cho dự án đường dây 500 kV Vân Phong–Vĩnh Tân
Theo kế hoạch, đến tháng 12/2022, dự án đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân phải hoàn thành đóng điện giải tỏa công suất nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong. Nếu chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường số tiền 1 triệu USD. Thời gian chỉ còn 15 tháng, tuy nhiên hiện nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) của dự án quan trọng này đang gặp nhiều khó khăn đòi hỏi cần có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ.
- 20-09-2021TP HCM: Các hoạt động giao thông vận tải cần điều kiện gì để được hoạt động lại?
- 20-09-2021Hoạt động kinh doanh 4 địa phương phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nhất từ làn sóng dịch thứ tư qua các con số
- 12-09-2021Nếu dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD
3 thách thức lớn đến tiến độ dự án
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) dự án đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân được khởi công vào tháng 7/2021. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ nhưng hiện dự án này còn rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB do nhiều nguyên nhân và thủ tục.
Cụ thể, về phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tại tỉnh Khánh Hoà có 117 vị trí móng cột nằm trên đất rừng, trong đó 46 vị trí móng nằm trên đất rừng tự nhiên và 71 vị trí móng nằm trên đất rừng trồng. Tại tỉnh Ninh Thuận có 27 vị trí móng qua rừng tự nhiên, 14 vị trí qua rừng trồng phòng hộ.
Đến nay, EVNNPT đã hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng phần móng trụ và đường tạm thi công, đã hoàn thành thẩm định kết quả đánh giá hiện trạng rừng qua địa bàn các huyện/thị xã liên quan và trình UBND các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận. Tuy nhiên, hiện các thủ tục này vẫn đang chờ các địa phương trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác BTGPMB, đến nay vẫn còn 120/172 vị trí móng trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà và 128/132 vị trí móng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. Hai địa phương này đã ban hành thông báo thu hồi đất cho dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các thủ tục thực hiện tiếp theo về công tác BTGPMB đang tạm dừng, nhiều huyện chưa lập và ban hành được giá đất cụ thể, chủ trương mức hỗ trợ đất trong hành lang tuyến cũng chưa được UBND các tỉnh ban hành.
Một khó khăn lớn khác mà EVN đang gặp phải đối với dự án này là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị. Cụ thể, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu (đặc biệt là giá các loại kim loại), vật tư thiết bị, chi phí nhân công tăng cao do biến động của thị trường và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Kiến nghị cần ban hành cơ chế đặc biệt
Để bảo đảm tiến độ dự án, EVNNPT cho rằng cần có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cấp lãnh đạo các tỉnh và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xem xét ban hành cơ chế đặc biệt cho dự án vì thời gian thực hiện dự án chỉ còn 15 tháng trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, nguy cơ chậm tiến độ là rất lớn nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, EVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục có liên quan đến nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phấn đấu hoàn thành các thủ tục trước ngày 31/12/2021.
Về công tác BTGPMB, EVN kiến nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận chỉ đạo hoàn thành từng thủ tục pháp lý để bàn giao tất cả các vị trí móng và mặt bằng trạm của dự án chậm nhất là ngày 30/12/2021, bàn giao hành lang an toàn lưới điện chậm nhất là tháng 6/2022.
EVN cũng kiến nghị UBND các tỉnh chủ trì tổ chức họp giao ban công tác định kỳ BTGPMB để tổng hợp tình hình và chỉ đạo giải quyết, có biện pháp xử lý cương quyết đối với những trường hợp không chấp hành phương án bồi thường đã được phê duyệt hoặc cố tình cản trở việc thi công dự án
Phát biểu tại các cuộc làm việc trực tuyến vào đầu tháng 9 giữa EVN và UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận vừa qua, lãnh đạo các địa phương này đều khẳng định đây là dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của địa phương.
Đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh vào cuộc quyết liệt, tích cực vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Lãnh đạo 2 tỉnh cũng khẳng định, địa phương đặt quyết tâm cao nhất, hỗ trợ tối đa EVN để hoàn thành dự án này đúng tiến độ.
Dự án đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân có quy mô 2 mạch dài khoảng 156,78 km, đi qua tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận.
Dự án có mục đích giải phóng công suất của Trung tâm Điện lực Vân Phong (trong đó có Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1), Nhà máy Thủy điện tích năng Bác Ái và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.
Chinhphu.vn