MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có cơ quan độc lập kiểm tra về giá điện

Ngành điện sẽ chấn chỉnh kịp thời các sai sót nếu xảy ra trong quá trình ghi chỉ số và thanh toán tiền điện.

Có nhiều ý kiến trái chiều sau khi Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 20-3-2019. Chúng tôi đã trao đổi với đại biểu Quốc hội, chuyên gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến vấn đề trên.

Hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Trao đổi với báo chí, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, cho biết: Với các chỉ đạo của Bộ Công Thương , trước hết EVN đã có văn bản gửi các tổng công ty điện lực yêu cầu rà soát, kiểm tra chặt chẽ việc tính hóa đơn, giải quyết kịp thời các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng; tăng cường công tác dịch vụ khách hàng, cung cấp kịp thời thông tin một cách công khai, minh bạch cho các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan có liên quan.

Lãnh đạo EVN cũng cho hay sẽ tổng hợp số liệu về lượng điện năng tiêu thụ của các khách hàng theo các bậc thang; đánh giá tình hình tiêu thụ thực tế kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ Công Thương phương án điều chỉnh bậc thang giá điện sinh hoạt và biểu giá điện, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Hiện nay, toàn bộ khách hàng sử dụng điện đều có thể tự tra cứu thông tin về lượng điện sử dụng, hóa đơn tiền điện và chi tiết cách tính tiền điện trong tháng. Tuy nhiên, tập đoàn cũng sẽ kịp thời nghiên cứu để điều chỉnh mẫu hóa đơn tiền điện phát hành hằng tháng sao cho dễ hiểu hơn, đồng thời chấn chỉnh kịp thời các sai sót nếu xảy ra trong quá trình ghi chỉ số và thanh toán tiền điện” - lãnh đạo EVN nhấn mạnh.

Tập đoàn sẽ hoàn thành đề án tách bạch về tổ chức khâu phân phối và khâu bán lẻ điện trong năm 2019, tách các đơn vị bán lẻ để tiến hành cổ phần hóa theo lộ trình của Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ. “Tất cả công tác tái cơ cấu đều hướng tới việc hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh” - lãnh đạo EVN tuyên bố.

Cần có cơ quan độc lập kiểm tra về giá điện - Ảnh 1.

Dù Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Chính phủ về các nguyên nhân tăng giá điện nhưng nhiều người chưa đồng tình với báo cáo này. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần có cơ quan độc lập kiểm tra

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nêu quan điểm: “Nhiều ý kiến cho rằng không nên để giá điện sinh hoạt theo bậc thang mà chỉ một giá nhưng tôi cho rằng giá điện sinh hoạt cần phải chia theo bậc thang. Tuy nhiên, việc chia bậc ra sao cần phải được nhà quản lý tính toán phù hợp với thực tế tiêu dùng điện của người dân”.

Ông Ngân nhận định hiện nay nhu cầu sử dụng điện của người dân cao hơn so với trước đây. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên và bà con mua sắm nhiều các thiết bị điện tử, điện lạnh phục vụ đời sống. Do vậy, hằng tháng người dân sẽ sử dụng nhiều điện hơn, chỉ số tiêu thụ điện cũng cao hơn.

Từ phân tích trên, ông Ngân đánh giá việc nhà quản lý để bậc thang đầu tiên ở mức 50 kWh như hiện nay là không còn phù hợp nữa. “Tôi cho rằng Bộ Công Thương cần tính toán xây dựng biểu giá điện sinh hoạt ít bậc hơn và thay đổi hạn mức tính giá hợp lý, vừa mang lại quyền lợi cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo chính sách tiết kiệm điện” - ông Ngân đề xuất.

Đối với vấn đề áp giá điện, nguyên nhân tăng giá điện, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế phân tích: Các hoạt động về tài chính của ngành điện đã được công khai nhưng minh bạch hay chưa thì chỉ có các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra mới biết chính xác được. “Để kiểm tra ngành điện có minh bạch hay không cần phải có cơ quan độc lập kiểm tra lại để đảm bảo tính độc lập, khách quan” - ông Long nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng nhìn nhận biểu giá điện bậc thang theo lũy tiến bộc lộ rõ nhiều bất cập. “Do đó việc xây dựng lại biểu giá điện bán lẻ là cần thiết và cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chuyên gia am hiểu về chuyên môn. Qua đó để xây dựng một biểu giá điện đảm bảo hài hòa lợi ích giữa EVN và người tiêu dùng” - ông Long khuyến nghị.

Sẽ thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty phát điện

EVN cho hay đã hoàn thành việc cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3, đã duyệt kế hoạch cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 2 và đang trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 1. Dự kiến trong năm 2019-2020 sẽ hoàn thành thủ tục cổ phần hóa các tổng công ty phát điện 1 và 2.

Sau hai năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tập đoàn sẽ lập phương án thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty phát điện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

EVN cũng cho hay đã hoàn thành đề án chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành công ty TNHH một thành viên và đã trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Hiện nay, ủy ban đang xem xét để trình Thủ tướng phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng, tập đoàn sẽ khẩn trương triển khai thực hiện.

Hơn 14.000 kiến nghị, thắc mắc về điện

Theo thống kê của EVN từ phần mềm quản lý, chăm sóc khách hàng từ ngày 20-3 đến 4-5 cho thấy tập đoàn đã tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có hơn 14.000 kiến nghị của khách hàng thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hóa đơn tiền điện, chiếm tỉ lệ gần 20%. "Các câu hỏi đều được trả lời 100% và các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết" - EVN cho biết.

Đối với tám thắc mắc của khách hàng thông qua Facebook, EVN đã chủ động liên hệ, sau khi được giải thích khách hàng đã hiểu nguyên nhân và gỡ bài viết.


Theo VIẾT LONG - TRÀ PHƯƠNG - ĐÀO TRANG

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên