Cần có quy định chuẩn để tính toán bồi thường oan sai
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần có quy định chuẩn để các cơ quan nhà nước lấy làm căn cứ tính toán mức bồi thường.
Sau những vụ án oan gây chấn động cả nước trong thời gian qua như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh... việc sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước càng trở nên cấp thiết hơn bởi hiện đang tồn tại quá nhiều bất cập trong các quy định giải quyết bồi thường oan sai. Chính phủ kỳ vọng Dự thảo Luật sửa đổi lần này sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong bồi thường oan sai thời gian qua, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (Ảnh: quochoi.vn)
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến hết ngày 31/12/2015, sau 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong số này, hơn 200 vụ việc đã được giải quyết (đạt tỉ lệ gần 80%) với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có 22 trong tổng số hơn 200 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng trên tổng số hơn 111 tỉ đồng Nhà nước phải bồi thường.
Ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, những chậm trễ trong giải quyết bồi thường cho người bị oan sai không phải do vướng mắc về quy trình và quy định của pháp luật về bồi thường, mà là do vướng mắc trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Dẫn chứng vụ việc của ông Phan Văn Lá ở Long An, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào cho biết: “Thông qua thực tiễn vụ ông Lá ở Long An, việc bồi thường vướng mắc ở chỗ xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. Bởi vì tòa án sơ thẩm xử năm 1991, đến cuối năm 1991, tòa phúc thẩm hủy bản án để điều tra, xét xử lại. Tuy nhiên, cơ quan điều tra để quên việc này cho đến năm 2012 khi ông Lá có yêu cầu bồi thường. Lúc đó mới đặt vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường là của cơ quan nào. Theo Luật hiện hành, cơ quan nào quyết định cuối cùng về vấn đề oan sai thì cơ quan đó có trách nhiệm bồi thường. Nhưng thực tiễn, lỗi để vụ việc này kéo dài là do cơ quan điều tra”.
Một trong những điểm vô lý của thực tế bồi thường án oai sai lâu nay là cơ quan tố tụng yêu cầu người bị oan sai muốn được bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, đòi hỏi có hoá đơn, chứng từ… Điều này gây khó khăn cho người bị oan sai và cơ quan nhà nước né tránh, đùn đẩy trách nhiệm bồi thường, kéo dài thời gian giải quyết bồi thường. Cho rằng yêu cầu này là vô lý, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) cần khắc phục điều này.
“Chúng ta yêu cầu người bị oan sai muốn bồi thường thì phải chứng minh. Đi tù từng ấy năm bây giờ chứng từ về thăm nuôi, chứng từ về những cái khác lấy đâu ra trong quá trình mấy chục năm, mà chúng ta đang rất cứng nhắc trong việc này. Liệu luật có giải quyết được những vấn đề đó không hay cứ mỗi vụ, yêu cầu họ phải giấy tờ, hóa đơn, chứng từ trong từng ấy năm đi tù, thì họ biết lấy đâu ra để chứng minh. Tôi đề nghị trong luật này phải giải quyết được thực tế đó”.
Mới đây, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 3. Để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc xác định thiệt hại, giúp người bị thiệt hại có căn cứ xác định thiệt hại được bồi thường và mức yêu cầu bồi thường. Đồng thời, một số quy định được sửa đổi theo hướng thu gọn một bước số lượng cơ quan giải quyết bồi thường; quy định cụ thể việc xác định cơ quan gây thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Cơ quan soạn thảo đã liệt kê vào dự thảo Luật để bao quát hết các trường hợp được bồi thường. Còn về cách tính toán thiệt hại để bồi thường, Bộ trưởng cho rằng, với những thiệt hại về vật chất thì dễ tính hơn, nhưng về tinh thần, Ban Soạn thảo đã cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hoá các thiệt hại về tinh thần để đền bù cho người bị oan sai.
“Tại chương 2, cơ quan soạn thảo đã liệt kê tất cả các trường hợp theo quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt pháp luật tố tụng là những lỗi thuộc về cơ quan tố tụng, và những văn bản thuộc lĩnh vực hành chính, những sai sót của cơ quan hành chính để bao quát các trường hợp được bồi thường. Chúng tôi đã cố gắng tối đa và có rà soát. Điểm thứ hai là chúng tôi đã căn cứ vào pháp luật hiện hành để liệt kê tất cả các trường hợp thiệt hại được bồi thường”, Bộ trưởng Lê Thanh Long cho biết thêm.
Đại diện cơ quan tố tụng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể cũng cho rằng quá trình giải quyết bồi thường không thấy có khó khăn mà chỉ thấy quy định chưa rõ về nội dung bồi thường nên tạo ra sự không thống nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường, cách thức, thủ tục, mức tính cũng không thống nhất. Do đó, ông Lê Hữu Thể đề nghị, dự thảo Luật sửa đổi cần có quy định chuẩn để các cơ quan nhà nước lấy làm căn cứ tính toán mức bồi thường.
“Chúng ta phải có quy định rất chuẩn để cơ quan nhà nước căn cứ vào đó như một ba-rem để tính toán mức bồi thường. Một vấn đề nữa chúng tôi đề nghị, phải làm rõ hơn những khoản nào được bồi thường, cách thức tính ra sao? Chúng tôi gặp khó ở chỗ này nên mới phải thương lượng”, ông Lê Hữu Thể đề nghị.
Với những quy định theo hướng cụ thể hóa nội dung bồi thường, cách tính, xác định mức độ thiệt hại, xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường… dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, chậm trễ trong giải quyết bồi thường oan sai thời gian qua, bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
VOV