Cần công khai kết quả đấu thầu tiền gửi Kho bạc Nhà nước
Hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam bắt đầu có những phiên đấu thầu đặc biệt để nhận nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước.
- 04-12-2019Thấy gì từ việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc?
- 02-12-2019Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng
- 07-11-2019Tiền gửi tại ngân hàng nào tăng nhanh nhất?
Như BizLIVE đề cập thời gian qua, từ tháng 11/2019, thực hiện chính sách và cơ chế mới của Bộ Tài chính, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước được kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, thay vì đọng lại ở các ngân hàng thương mại.
Đáng chú ý, cũng từ tháng 11/2019, theo quy định của Bộ Tài chính, nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước bắt đầu được cơ cấu lại, về số lượng, kỳ hạn và lãi suất, gửi tại các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu.
Theo đó, các ngân hàng thương mại hiện nay đã bắt đầu tham gia những phiên đấu thầu tiền gửi này, qua Kho bạc Nhà nước chọn lọc thành viên.
Trên cơ sở cân đối nguồn ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi tại mỗi thời điểm, Kho bạc Nhà nước sẽ gửi thông báo đến những ngân hàng thương mại được chọn đó chào thầu.
Các ngân hàng thương mại sẽ gửi bản chào nhận tiền gửi đến Kho bạc Nhà nước (bằng văn bản trong phong bì có dấu niêm phong hoặc văn bản điện tử đã được mã hóa), trong đó nêu rõ số tiền, lãi suất tương ứng từng kỳ hạn nhận gửi.
Chậm nhất 15 phút sau thời hạn nhận bản chào nhận tiền gửi, Kho bạc Nhà nước sẽ mở các bản chào. Căn cứ thông tin bản chào của từng ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước xác định khối lượng tiền gửi, lãi suất gửi tương ứng từng kỳ hạn đối với từng ngân hàng thương mại.
Lãi suất gửi áp dụng cho mỗi ngân hàng thương mại là mức lãi suất chào của ngân hàng thương mại đó, được xét chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp của lãi suất chào thỏa mãn điều kiện: không thấp hơn lãi suất gửi có kỳ hạn ngân quỹ nhà nước tối thiểu do Bộ Tài chính quy định; khối lượng tiền gửi tính lũy kế đến các mức lãi suất được lựa chọn không vượt quá khối lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước thông báo.
Ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi gửi tại ngân hàng thương mại được quy định theo các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.
Như vậy, quy định và cơ chế trên đã tạo thay đổi lớn và có ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, đến cân đối vốn và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Số liệu tập hợp từ báo cáo tài chính chỉ riêng Vietcombank, VietinBank và BIDV cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2019, đã có tới 213,8 nghìn tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Do trường hợp Agribank chưa có báo cáo tài chính quý III/2019 công bố, nhưng nếu tham khảo loại tiền gửi này vào cuối tháng 6/2019 thì có thêm hơn 45 nghìn tỷ đồng nữa.
Như vậy, đây là nguồn tiền gửi lớn nằm trong hệ thống ngân hàng thương mại trước đó. Theo quy định và cơ chế mới nói trên, từ tháng 11/2019 bắt đầu có thay đổi. Mức độ thay đổi, biến động lãi suất cùng kết quả các cuộc đấu thầu hiện chưa có bất kỳ thông tin nào công bố chính thức trên thị trường.
Trong khi đó, hiện cũng chưa có bất kỳ thông tin nào công khai về số lượng những ngân hàng thương mại nào được lựa chọn và tiếp cận được nguồn tiền gửi này; lãi suất hình thành và biến động qua các cuộc đấu thầu như thế nào…
Trên các thị trường, cơ chế hiện nay công khai và minh bạch tại các kênh, các cuộc đấu thầu quan trọng. Như kết quả đấu thầu trái phiếu Chính phủ, kết quả đấu thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, kết quả đấu thầu cho vay cầm cố trên thị trường mở (OMO)… đều được công bố đầy đủ.
Những thông tin trên một mặt tạo minh bạch về các dòng chảy vốn, định hình các loại lãi suất có giá trị tham khảo quan trọng cho thị trường, cũng như đối với các nhà đầu tư.
Theo đó, với quy mô lớn như dữ liệu tham khảo nói trên, liên quan đến minh bạch sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, kết quả các cuộc đấu thầu tiền gửi Kho bạc Nhà nước cũng cân được công khai, để giúp các thành viên trên thị trường, nhà đầu tư có thêm cơ sở nắm bắt các dòng chảy quan trọng.
BizLive