Cần công khai lộ trình và mức tăng giá điện để tránh các cú sốc cho nền kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, ĐBQH cho rằng, Bộ Công Thương cần tính toán hợp lý mức tăng tới đâu, để vừa mức cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư, vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
- 10-11-2023Một lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam đang tăng nhanh nhất Đông Nam Á, sẽ sớm đạt 45 tỷ USD
- 10-11-2023Cần cơ chế, chính sách đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội
- 10-11-2023Quốc hội sắp ban hành chính sách thuế để giữ chân 'đại bàng' đến Việt Nam đầu tư
Ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của ngày 4/5/2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm. Như vậy, đây là lần tăng giá điện thứ 2 trong năm 2023, sau khi tăng đợt 1 vào ngày 4/5 với mức 3%.
Tăng giá điện tạo thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc tăng giá điện để bảo đảm phù hợp với giá thị trường, giá xăng dầu thế giới tăng cao hiện nay, cũng như bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là hợp lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Công Thương cần tính toán hợp lý mức tăng tới đâu, để vừa mức cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư, vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
“Về phía EVN cũng cần cân đối các khoản chi như: chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động... để cân đối nguồn tài chính, không chỉ dồn sang việc tăng giá điện”, đại biểu Hòa nói.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hoà, việc điều chỉnh giá điện sẽ có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bởi mọi hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh đều liên quan đến tiêu thụ điện. Nếu tiêu thụ mạnh thì CPI tăng, nếu tiêu thụ hạn chế thì CPI hạ. Trong tình hình hiện nay, ước tính của Bộ Công Thương, việc tăng giá điện lần này có thể khiến chỉ số CPI năm nay tăng 0,035%.
“Đối với doanh nghiệp, việc điều chỉnh tăng giá điện lần này cũng có tác động không giống nhau. Với doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận, tác động tăng giá điện không đáng kể, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm đóng góp cho ngân sách và xã hội. Tuy vậy, với doanh nghiệp khó khăn hay trong thời kỳ thua lỗ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, việc tăng giá điện hiện nay tạo thêm gánh nặng”, đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá.
Cần cân nhắc thật thận trọng, khách quan, và nghĩ tới toàn cục, toàn dân
Cùng quan điểm với đại biểu Hòa, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, việc tăng giá điện là cần thiết nhưng tăng ở mức bao nhiêu, lộ trình như thế nào thì Chính phủ cần phải tính toán thật kỹ, bởi tăng giá điện sẽ tác động đến lạm phát và doanh nghiệp, cũng như các chủ thể sử dụng điện.
“Việc tăng giá điện cần phải có sự tính toán thật kỹ để có mức tăng hợp lý, lộ trình phù hợp và đặc biệt cần công khai lộ trình đó để mỗi người dân, doanh nghiệp nắm rõ, trên cơ sở đấy có phương án thích ứng, ứng phó cho phù hợp, không tạo ra các cú sốc cho nền kinh tế”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu ý kiến.
Bình luận về tác động của việc tăng giá điện, đại biểu đoàn Bắc Giang cho rằng, đối với mỗi lĩnh vực, giá điện sẽ tác động khác nhau, không thể thỏa mãn được tất cả các doanh nghiệp cũng như các đối tượng trong nền kinh tế. Có đối tượng vẫn chịu được nhưng có đối tượng sẽ cho đấy là cao.
“Năng lượng là 1 trong những yếu tố chi phí đầu vào của doanh nghiệp, giá cả năng lượng cũng biến động theo giá cả năng lượng của thị trường thế giới, do đó, các DN phải trên cơ sở lộ trình thay đổi giá điện để có kế hoạch bố trí sản xuất, tái cấu trúc sản xuất, thay đổi công nghệ để cho phù hợp để dần dần các công nghệ hao phí năng lượng lớn, các công nghệ lạc hậu cần được thay thế bởi công nghệ mới thân thiện môi trường, giảm tiêu hao năng lượng hơn…”, đại biểu Trần Văn Lâm nhận định.
Theo giải trình của Bộ Công Thương, việc rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện bán lẻ bình quân từ 6 tháng/lần như hiện nay xuống còn 3 tháng sẽ giúp giá điện không bị dồn tích chi phí, ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN. Tuy vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và đánh giá khách quan vấn đề này. Bởi thực tế mức tăng hiện nay không quá cao nhưng xét về tổng mức tăng mang lại cho EVN rất lớn. Trong khi người dân, doanh nghiệp, nhà sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất, kinh doanh.
“Cần phải cân nhắc thật thận trọng, khách quan, và phải nghĩ tới toàn cục, toàn dân. Hiện Chính phủ đang kích cầu và có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tạo công ăn việc làm cho người dân và tăng thu ngân sách, nếu doanh nghiệp thấy giá điện tăng liên tục thì sẽ quan ngại đầu tư sản xuất kinh doanh”, đại biểu Phạm Văn Hòa lo ngại.
Đối với quy định giá điện theo thang 6 bậc như hiện hành, ông Hòa đề nghị, cần xem xét lại khi có nhiều ý kiến cử tri cho rằng, thang giá điện chưa hỗ trợ người tiêu dùng. Hiện những hộ nghèo và hộ cận nghèo đã sử dụng đến mức đó trong khi nhu cầu tiêu dùng điện càng ngày tăng lên trong khi mức trần của bậc 1 chỉ 50 kWh là không hợp lý.
VOV