MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căn cứ nào xác định bội chi NSNN năm 2018 là 3,7% GDP?

Tổng số thu NSNN năm 2018 là 1.319.200 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng GDP.

Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 do ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng Thư ký Quốc hội trình bày trước Quốc hội sáng 13/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng dự toán thu, chi NSNN năm 2018 về số tuyệt đối đều cao hơn năm 2017, nhưng nếu tính theo tỷ lệ phần trăm huy động từ thuế, phí lại thấp hơn năm 2017.

Tỷ lệ huy động từ thuế, phí năm 2018 dự kiến là 19,7% GDP, giảm so với năm 2017 (20,1% GDP) và thấp hơn mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là khoảng 21% GDP.

Theo giải trình của UBTVQH, điều này có nguyên nhân chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô giảm xấp xỉ 2 triệu tấn, giảm thuế nhập khẩu do cam kết hội nhập, cũng như việc điều chỉnh chính sách thu nội địa chậm hơn dự kiến. Tổng hợp các yếu tố giảm thu nêu trên ước làm giảm mức huy động từ thuế, phí khoảng 0,4-0,5% GDP.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức bội chi NSNN năm 2018 là 3,7% GDP. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng dự toán số thu NSNN năm 2018 mặc dù đã tính ở mức tích cực, nhưng so với nhu cầu chi tiêu vẫn thấp; đặc biệt là nhu cầu bảo đảm nguồn tăng chi đầu tư, thực hiện chế độ, chính sách, chi an ninh, quốc phòng... Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội dự toán bội chi NSNN năm 2018 ở mức 3,7% GDP để bảo đảm nguồn tăng chi đầu tư phát triển.


Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng Thư ký Quốc hội.

Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng Thư ký Quốc hội.

Một số ý kiến ĐBQH cho rằng cơ cấu thu, chi năm 2018 không phù hợp với định hướng kế hoạch. Về vấn đề này, UBTVQH giải trình như sau:

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018 tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thu, chi NSNN theo hướng bền vững theo Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó: tỷ trọng dự toán thu nội địa trong tổng thu đã tăng từ mức 81,7% năm 2017 lên mức là 83,3% năm 2018 (mục tiêu đến năm 2020 đạt 84-85%). Tỷ trọng dự toán chi ĐTPT trong tổng chi tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên mức 26,2% năm 2018 (mục tiêu là 25-26%), tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm từ mức 64,9% năm 2017 xuống mức 64,1% năm 2018 (mục tiêu đến năm 2020 dưới 64%).

Có ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ dự toán chi NSNN đã bảo đảm các tỷ lệ chi cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; văn hóa, thông tin; khoa học và công nghệ, y tế, môi trường. UBTVQH cho rằng, mới chỉ thực hiện phân bổ chi thường xuyên theo các lĩnh vực.

Cụ thể: chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề (gồm cả chi giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và nguồn cải cách tiền lương lĩnh vực này) đạt khoảng 15,5% tổng chi NSNN, tương đương 77,5% mức phải bố trí theo yêu cầu để đạt tỷ trọng trên; chi thường xuyên lĩnh vực khoa học và công nghệ (gồm cả chi khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và chi từ nguồn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ) đạt 1,2% tổng chi NSNN, tương đương 60% mức phải bố trí theo yêu cầu; chi thường xuyên lĩnh vực văn hóa, thông tin (gồm cả chi văn hóa thông tin trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng) đạt xấp xỉ 0,9% tổng chi NSNN, tương đương 50% mức phải bố trí; đối với lĩnh vực y tế, tốc độ tăng chi thường xuyên trên 11%, đã cao hơn tốc độ tăng chi NSNN là 9,5%.

Với các mức đã bố trí chi thường xuyên từng lĩnh vực trên đây, thì yêu cầu bố trí chi đầu tư còn lại cao nhất là 50% nhu cầu đối với lĩnh vực văn hóa, thông tin; lĩnh vực khoa học và công nghệ là 40% và lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề (với quy mô lớn nhất) chỉ còn 22% nhu cầu. Riêng lĩnh vực môi trường, mặc dù điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn, nhưng chi sự nghiệp (chi thường xuyên) về môi trường đã đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối; tỷ lệ đạt 1% tổng chi NSNN theo đúng Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị.

Do vậy, nếu tính cả chi đầu tư phát triển cho các lĩnh vực giáo dục, văn hóa sẽ bảo đảm gần sát tỷ lệ theo quy định.

Theo Nguyên Tuân

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên