MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần “cuộc cách mạng” với thuế thu nhập cá nhân?

Cần “cuộc cách mạng” với thuế thu nhập cá nhân?

Sau đại dịch COVID-19 rồi đến giá cả tiêu dùng tăng cao, chuyên gia cho rằng chính sách thuế thu nhập cá nhân trở nên lỗi thời và trở thành gánh nặng với người dân…

Kể từ tháng 7/2020, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, và với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là mức giảm trừ lạc hậu khi nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống.

Gánh nặng lỗi thời

Là nhân viên hành chính tại một ngân hàng, chị Mai Hương sống ở Hà Nội cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị hiện nay khoảng 34 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ cho người nộp thuế gồm cả vợ chồng tổng cộng là 22 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ người phụ thuộc cho 2 con là 8,8 triệu đồng/tháng. Như vậy, với khoản phải chịu thuế TNCN là 3,2 triệu đồng/tháng, thì số tiền thuế TNCN mà vợ chồng chị phải đóng khoảng 320.000 đồng/tháng, tính ra cả năm là khoảng 3,84 triệu đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ bởi chi phí sinh hoạt hiện nay đều tăng.

"Thu nhập của 2 vợ chồng không tăng mà chi phí sinh hoạt lại tăng nhiều lần so với năm ngoái, trong khi tiền thuế TNCN không hề được giảm đồng nào. Tôi mong có những điều chỉnh trong thu thuế thu nhập cá nhân thích ứng với hoàn cảnh mới" chị Hương chia sẻ.

Tương tự, với tổng thu nhập của hai vợ chồng một tháng là 40 triệu đồng, chị Lan Anh sống tại Hà Nội cũng cho biết, ngoài tiền ăn, tiền điện nước, tiền học cho hai con,… gia đình còn phải trả một khoản khoản thuê nhà 10 triệu đồng/tháng nên hai vợ chồng phải dè xẻn từng đồng. Trong khi đó, năm vừa rồi sau khi quyết toán thuế TNCN, chị Lan Anh vẫn phải nộp hơn 11 triệu đồng tiền thuế.

"Chúng tôi hiểu việc đóng thuế thu nhập cá nhân là trách nhiệm của người dân, tuy nhiên sau dịch COVID-19, giá cả hàng hóa tiêu dùng đều đã tăng cao, thu nhập không đủ chi tiêu. Vì vậy, việc đóng thuế thu nhập cá nhân đang trở thành gánh nặng của gia đình tôi", chị Lan Anh than thở.

Luật Thuế TNCN được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành 01/01/2009. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là đối với những người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng (chưa kể việc tính miễn trừ gia cảnh đối với nuôi con nhỏ, bố mẹ già) thuộc diện chịu thuế.

Trước sức ép về lạm phát, nhằm giảm khó khăn cho người lao động, ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của TTNCN có hiệu lực từ 01/7/2020. Theo đó, mức giảm trừ đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.

Tuy nhiên, hơn hai năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thu nhập của nhiều người làm công ăn lương sụt giảm mạnh, thậm chí thất nghiệp. Trong khi đó, diễn biến giá cả thị trường lại liên tục tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được xem đã quá lỗi thời.

Cần "một cuộc cách mạng" cho phù hợp?

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính thuế cho rằng, quy định cho giảm trừ gia cảnh hiện tại là không đủ để đảm bảo đời sống cho những gia đình có thu nhập trung bình. Mức giảm trừ này phải tăng cao hơn nữa.

"Lần sửa đổi sắp tới trong luật cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng như hiện nay lên mức cao hơn, thậm chí 18-20 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50-70%, tức khoảng 6-7,5 triệu đồng/tháng", ông Thịnh đề xuất.

Cùng quan điểm với hướng đề xuất của ông Thịnh, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI kiến nghị cần phải sửa Luật thuế TNCN cho đúng nguyên tắc. Bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do vậy, Luật Thuế TNCN sửa đổi cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ, như chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN.

Còn theo PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), theo quy định khi nào CPI tăng 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời. Thực tế, lạm phát của Việt Nam thường chỉ tăng khoảng 3-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Để quy định trong luật không lạc hậu, gây thiệt thòi cho người nộp thuế, vị chuyên gia này đề xuất, vào cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tăng hay giảm bao nhiêu thì mức giảm trừ gia cảnh cũng được điều chỉnh tương ứng.

Những đề xuất trên của các chuyên gia như "một cuộc cách mạng" đối với chính sách thuế TNCN, cả về cơ cấu lẫn mức độ. Liệu đây có là thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, có là điều có thể kỳ vọng nếu xem xét điều chỉnh luật tới đây?

Theo Nguyễn Ngọc

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên