Cần đảm bảo vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sử dụng được 100 năm
Nhất trí cao việc đầu tư 2 dự án vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các ĐBQH lưu ý về hiệu quả đầu tư, tạo cơ chế, chính sách đặc thù…
2 công trình "để đời cho con cháu"
Sáng 10/6, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với chủ trương đầu tư dự án, tuy nhiên cần làm rõ một số vấn đề như giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu, cơ chế chính sách đặc thù...
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc triển khai các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng ngàn hecta đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học… Do đó, việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách, chắc chắn, hữu hiệu. Đại biểu mong Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng lưu ý trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm.
"Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước. Vì vậy phải làm cho thật tốt, thật chất lượng" - đại biểu đoàn Hà Nội nêu rõ.
Trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, đại biểu cho rằng cần xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm để nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho nhân dân.
Đại biểu khẳng định, một tuyến đường được xây dựng với chất lượng, độ bền là 100 năm, nếu thu phí hoàn vốn 30 năm thì vẫn còn 70 năm nữa, hàng năm chỉ cần tu sửa mà dùng vẫn rất có hiệu quả. Đại biểu mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình)
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu quan điểm, dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh là 2 công trình "để đời cho con cháu" cần giao Thủ tướng Chính phủ "cầm trịch", nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng không đồng nhất. Đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân.
Cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách
Đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) cho biết, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm… Đại biểu kiến nghị thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề.
Ngoài ra, cần có một khóa đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương; cần có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót.
Đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế)
Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Nhà nước được tổ chức trên nguyên tắc có phân công kiểm soát quyền lực theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Việc tổ chức xây dựng các dự án có các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nội bộ như thanh tra, điều tra. Nếu như mỗi lần làm dự án lại đưa cả các cơ quan công an, thanh tra, kiểm toán vào sẽ trái với nguyên lý tổ chức vận hành của bộ máy Nhà nước mà không khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhấn mạnh về việc khơi thông những điểm nghẽn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)
"Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính" - đại biểu chia sẻ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc mong muốn các dự án vành đai này như mẫu hình của tư duy mới, của sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị; tư duy mới của sự đột phá phát triển, của tầm nhìn tổng thể và tư duy mới của sự minh bạch. Ngoài ra, cần có cơ chế bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm.
VTV