Cần dứt khoát với cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tỷ lệ phần vốn do Nhà nước nắm giữ tại các DN này đã được công khai.
- 05-01-2017Nhà nước nắm 51% vốn khi Vinafood 2 cổ phần hóa
- 30-12-2016Rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
- 23-12-2016Thách thức lớn nhất là cổ phần hóa thực chất
Tiếp tục thoái vốn tại 137 DNNN
Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, kèm theo danh sách và chủ trương, lộ trình thoái vốn DNNN vừa được Chính phủ ban hành, có 240 DNNN sẽ thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, có 103 DN Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ, có 4 DN thực hiện cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ, 27 DN thực hiện cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, đồng thời có 106 DN cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Theo chủ trương của Chính phủ, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn tại 103 DN hoạt động trong 11 lĩnh vực đặc thù liên quan đến quốc phòng an ninh, sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, bảo đảm hàng hải, kinh doanh xổ số, dịch vụ công ích, in đúc tiền, sản xuất vàng miếng và vật phẩm lưu niệm, xuất bản… Trong lĩnh vực xổ số, ngoài việc nắm giữ 100% vốn tại 62 công ty xổ số tại 62 địa phương thì Nhà nước cũng sẽ nắm giữ 100% vốn tại Công ty Điện toán Việt Nam (Vietlott), DN đang trực thuộc Bộ Tài chính. Trong danh sách các ngân hàng tiếp tục do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài hai ngân hàng liên quan đến tín dụng ngân sách gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam là 3 ngân hàng được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng trong thời gian trước đó gồm Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Một số cái tên đáng chú ý trong danh sách do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Công ty mẹ (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam – Công ty mẹ (EVN), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo danh mục các DN Nhà nước sẽ nắm giữ trên 65% vốn điều lệ (gồm 4 DN) thì có 3 DN trong sách này cũng là những cái tên được chú ý gồm: Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí.
Danh sách được chờ đợi là các DN Nhà nước chỉ nắm 50-65% vốn điều lệ cũng như chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Trong 27 DN Nhà nước chỉ nắm 50-65% vốn điều lệ trong 8 ngành, lĩnh vực, có một số cái tên tiêu biểu như: Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Thuốc lá, 3 Tổng công ty Điện lực tại miền Bắc, Trung và miền Nam, Vinafood 1, Vinafood 2, VNPT, Mobifone… Bên cạnh đó, danh sách các DN Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ có khá nhiều cái tên đáng chú ý như: Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn…
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc công khai danh sách các DN cổ phần hóa, thoái vốn sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thông tin chính xác, từ đó xác định tiềm lực để quá trình đầu tư thuận lợi và mang lại hiệu quả. Việc thoái vốn tại các DNNN này sẽ giúp Nhà nước thu về một lượng vốn nhất định để tái đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trước đó, theo báo cáo của Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), tính cuối năm 2015, tổng vốn Nhà nước ở trong 800 DN có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản khoảng 130 tỷ USD. Như vậy, quy mô của đợt thoái vốn trong giai đoạn 2016 -2020 có giá trị thực tế lên tới hàng chục tỷ USD.
Cần chế tài nếu chậm thoái vốn
Hoan nghênh việc Chính phủ ban hành quyết định này, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, trong thời gian tới phải dứt khoát với vấn đề sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cải cách DNNN. Theo chuyên gia này, trong thời gian qua, chúng ta đã thấy rõ nhiều vấn đề của DNNN, nhưng chúng ta còn lấn cấn, so đo lợi ích trong cổ phần hóa, tái cơ cấu nên tiến trình này vẫn khá chậm. Đa phần các Bộ trưởng, người chịu trách nhiệm phần vốn của Nhà nước tại các DN vẫn chưa quyết liệt trong cuộc đấu tranh quyết định cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu. Đâu đó, vẫn còn lấn cấn, so đo về lợi ích, kể cả của Nhà nước, của ngành và chính DN ấy.
Chuyên gia Lưu Bích Hồ lưu ý, không chỉ riêng các DNNN nằm trong danh sách thoái vốn, cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 mà cần quyết liệt, triệt để thoái vốn Nhà nước tại các DNNN đã nằm trong lộ trình đề ra trước đó. Nếu năm 2017, chúng ta không giải quyết triệt để khu vực Nhà nước, nơi quản lý phần lớn nguồn lực cho tăng trưởng từ vốn, đất đai, con người cho đến phương tiện... thì năm 2018 chúng ta sẽ rất vất vả khi thỏa mãn các quy định về hội nhập quốc tế theo các FTA thế hệ mới, như tự do hóa dịch vụ công, tự do hóa cạnh tranh và mở rộng không gian cho dịch vụ tài chính, ngân hàng, công khai thông tin chính sách...
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, với Quyết định 58, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các DNNN, DN có vốn Nhà nước một cách cụ thể, thay vì thiếu thông tin như trước đây. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lưu ý, từ năm 2014 Chính phủ từng ban hành Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trong đó DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối rất ít, đồng nghĩa với việc Nhà nước cho phép thoái vốn đa phần tại các DNNN cả quy mô lớn và nhỏ, nhưng kết quả thoái vốn vẫn rất chậm, do đó ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng tới đây cần có chế tài với việc chậm thoái vốn tại các DNNN.
Theo chuyên gia này, thực tế việc cổ phần hóa, thoái vốn cho thấy, với DN kinh doanh không hiệu quả thì khó có người mua, song với một số DN lớn, kinh doanh hiệu quả, nếu bán cổ phần ồ ạt, thông qua đấu giá công khai, nhà đầu tư cũng không phải ai cũng muốn mua. “Chúng ta cần chú ý thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong, ngoài nước, có cơ chế thực hiện việc mời gọi và tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia tích cực vào các đợt thoái vốn Nhà nước. Trên thực tế, việc này hầu như chưa thực hiện được, đơn cử là 10 DN kinh doanh hiệu quả mà SCIC đang quản lý vốn, Chính phủ đã có chủ trương thoái vốn nhưng mới chỉ thực hiện được một chút tại Vinamilk”, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ.
Theo các chuyên gia, với các DN sắp thoái vốn, nên tìm những DN, đối tác chiến lược có lợi cho sự phát triển lâu dài của DN, thương hiệu. Việc mua bán cổ phần ở bất kỳ DNNN nào cũng cần phải công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm, cùng với đó là sự quyết tâm thoái vốn đúng tiến độ để lợi ích thu về của Nhà nước cao nhất có thể.
Chuyên gia Kinh tế Lưu Bích Hồ:
“Chúng ta còn có nhiều nguồn lực nằm ở DNNN mà phần lớn là đất đai. Nếu không giải phóng, biến nguồn lực này sinh sôi, phát triển thì chúng ta sẽ đi vào vòng luẩn quẩn giữa quyết tâm đổi mới và sự bó lại về tư duy và hành động”.
Báo hải quan