MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần gói nới lỏng định lượng kiểu Việt Nam

12-12-2021 - 09:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Cần gói nới lỏng định lượng kiểu Việt Nam

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) không những mang lại các lợi ích dài hạn mà còn tạo ra các điều kiện tài chính thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều NHTW cũng đã thực hiện việc mua lại TPCP với số lượng lớn để hỗ trợ nền kinh tế. Đây được gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE).

Cần gói nới lỏng định lượng kiểu Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị NHNN nên mua trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tính khả thi cao

Việc mua lại TPCP sẽ mang lại một số điều kiện thuận lợi.

Thứ nhất, phát đi tín hiệu tốt về lãi suất rằng, lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên (ít nhất là không giảm) trong tương lai.

Thứ hai, tăng thanh khoản trên thị trường trái phiếu, làm giảm phần bù rủi ro thanh khoản, từ đó làm tăng thanh khoản trên thị trường này.

Thứ ba, cân bằng lại danh mục đầu tư. Trên lý thuyết, việc NHNN mua lại TPCP sẽ làm tăng giá trái phiếu, từ đó lợi suất trái phiếu sẽ giảm. Điều này khiến các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các tài sản khác có lợi nhuận cao hơn, như trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cổ phiếu. Điều này cũng làm tăng giá của các tài sản đó và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi do huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu trở nên dễ dàng hơn.

Điểm bất lợi của chính sách này là áp lực lạm phát trong tương lai, tỷ giá tăng và áp lực nợ công. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong tương lai có thể được giảm thiểu thông qua các chính sách tiền tệ của NHNN. Về tỷ giá, NHNN có thể can thiệp vào thị trường này để ổn định tỷ giá.

Phương thức triển khai

Trên thế giới, các loại trái phiếu góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch được chia làm hai loại: Trái phiếu thông thường và Trái phiếu sử dụng có mục đích. Trong đó, loại thứ hai được phát hành theo một khung pháp lý nhất định. Ví dụ, số tiền thu được từ phát hành trái phiếu chỉ được thực hiện cho các mục đích liên quan đến giảm thiểu hậu quả do đại dịch COVID gây ra.

Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu phát hành loại trái phiếu sử dụng có mục đích nêu trên, để hạn chế việc dòng tiền từ trái phiếu chảy vào những lĩnh vực không thực sự cần thiết.

Ví dụ, nếu việc phòng chống dịch bệnh và giảm thiểu hậu quả do dịch bệnh gây ra là việc cấp thiết hiện nay, thì việc phát hành trái phiếu cần chứng minh được số tiền thu về sẽ được sử dụng cho các mục đích: Tài trợ các hoạt động phòng chống dịch bệnh; Hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Như vậy, hiệu quả sẽ đạt được nếu minh bạch trong tài trợ, cũng như cách thức lựa chọn các đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, Chính phủ cần cam kết báo cáo đầy đủ đánh giá tác động của việc sử dụng số tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu đến phục hồi nền kinh tế và khắc phục hậu quả dịch bệnh.

Theo TS. BÙI DUY TÙNG - Giảng viên kinh tế Đại học RMIT

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên