MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần hoàn thiện chính sách để các ngành công nghiệp nền tảng phát triển bền vững

Mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% trong 2 tháng đầu năm 2024 (so với cùng kỳ năm trước) song, nếu nhìn vào chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 (ước tính giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước) cũng như thời gian trước đó, nhất là năm 2023 vừa qua, cho thấy sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp còn rất nhiều thách thức.

Hai tháng đầu năm 2024 nhóm hàng công nghiệp chế biến đã xuất khẩu được trên 52,45 tỷ USD, chiếm tới 88,4% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Tuy nhiên, nhìn vào hơn 59 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 2 tháng qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 72,8%, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước mặc dù đã có sự tăng trưởng ấn tượng khi tăng gấp hơn 2 lần so với mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn chỉ ở mức 27,2%.

Điều này đồng nghĩa tăng trưởng xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI, thậm chí khoảng cách có phần tăng lên trong những năm gần đây mà chưa có sự cải thiện đáng kể nào.

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là do các ngành sản xuất chủ yếu vẫn đang gia công chế biến để phục vụ xuất khẩu. Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp sản xuất lớn trong các lĩnh vực công nghiệp cơ bản. Sự manh mún, nhỏ lẻ nhưng lại dàn trải nên rất khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai tháng đầu năm 2024 nhóm hàng công nghiệp chế biến đã xuất khẩu được trên 52,45 tỷ USD, chiếm tới 88,4% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước (Ảnh: KT)

Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ nêu thực tế và dẫn chứng: “đơn giản như chế hoà khí của xe máy có độ 20 chi tiết linh kiện, thì công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay đang gia công từng chi tiết một. Mà kinh nghiệm của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì người ta cố gắng chế tạo các cụm chi tiết. Ví dụ, một cái chế hoà khí đầy đủ như vậy thì có 20 doanh nghiệp chế tạo các chi tiết ấy và lắp thành cái chế hòa khí. Và cái chế hoà khí mới có tiếng nói trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mình hay nói là tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng tham gia cái gì? Nó phải là một cụm chi tiết. Tôi nhắc lại nếu chỉ làm được chi tiết thì không bao giờ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, công nghiệp chế tạo là trung tâm của quá trình công nghiệp, và công nghiệp hỗ trợ là hạt nhân của công nghiệp chế tạo. Muốn hiện thực hoá mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo Nghị quyết 29/NQ-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phải coi trọng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn.

Dẫn chứng thực tế đất nước đang phát triển, hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng trong các ngành giao thông (như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, vận tải biển…), hay trong lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời, điện khí LNG…) đã và đang triển khai hầu như nhập khẩu hoàn toàn các thiết bị mà chưa tự chủ sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) nêu ý kiến: “Mặc dù xuất nhập khẩu chúng ta rất tốt, thế nhưng mà xuất khẩu lại có tới gần 75% FDI (phụ thuộc nước ngoài). Rõ ràng chúng ta còn kém, đây là những sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh, những sản phẩm cơ khí lớn như điện gió, đường sắt cao tốc, đường sắt giao thông thành phố, thiết bị y tế, bô xít... chúng ta đến bây giờ vẫn còn thiếu hụt vì không có một quy hoạch, không có một chiến lược, lộ trình để chúng ta làm chủ những thiết bị đó. Tôi kiến nghị trong thời gian tới đây chúng ta làm sao lấy 400 tỷ USD sản phẩm của thị trường cơ khí là nguồn động lực, là nguồn tài nguyên để phát triển nền kinh tế đất nước và phát triển ngành cơ khí”.

Công nghiệp chế tạo vẫn còn nhiều dư địa phát triển (Ảnh: KT)

Hơn 400 tỷ USD thiết bị cơ khí phục vụ cho các ngành giao thông, năng lượng, y tế thực sự là một cơ hội lớn cho ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển.

Tổng Giám đốc Tập đoàn THACO (Trường Hải) ông Phạm Văn Tài nêu kiến nghị: “Đối với ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện và trình Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung Luật công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 để trình Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý thực sự thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro đối với các doanh nghiệp đầu tàu để liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của ngành công nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước, hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết 29/NQ-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Công nghiệp hiện nay chủ yếu đang phụ thuộc vào khối FDI. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn như trong Nghị quyết 29/NQ-TW đã nêu như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, trong lĩnh vực về công nghiệp phụ trợ, trong một số lĩnh vực công nghiệp năng lượng xanh, trong một số lĩnh vực về vật liệu mới… rõ ràng là chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục đặt ra. Tôi cho rằng, đây là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Công Thương để làm sao chúng ta có cách tiếp cận đầy đủ bài bản và sẽ có đưa ra những kế hoạch những tính toán, thậm chí phải bổ sung quy hoạch mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt” - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu.

Theo Nguyên Long

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên