Cần hơn 10.300 tỷ đồng xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT giao thông
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Chính phủ về giải pháp tổng thể xử lý khó khăn, vướng mắc, bất cập tại các dự án BOT giao thông và đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để xác định cụ thể mức chia sẻ của các bên liên quan.
- 10-10-202318 sản phẩm xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại
- 09-10-2023'Giấc mơ' đường sắt xuyên Á: Dự án gần tỷ USD dài 129km ở Việt Nam có tín hiệu gì mới?
- 09-10-2023Địa phương liên tục đón "đại bàng ngoại" có thêm khu công nghiệp 1.900 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ GTVT, 5 dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) giao thông dự kiến chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn gồm: Dự án tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa (bất cập trạm Bỉm Sơn); dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi (không thể thu phí tại các cảng đường sông do điều chỉnh quy hoạch); dự án xây dựng đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ (QL)3 (xử lý bất cập trạm QL3 để bảo đảm an ninh trật tự); dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (sụt giảm doanh thu do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ); dự án cải tạo QL91 TP Cần Thơ (sụt giảm doanh thu do đầu tư cầu Vàm Cống và tuyến đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ, đường tỉnh 922).
Bên cạnh đó, có 3 dự án dự kiến sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước gồm: Dự án BOT cầu Ba Vì - Việt Trì (kết nối TP Hà Nội và TP Việt Trì); dự án BOT cầu Thái Hà (kết nối Hà Nam - Thái Bình); dự án BOT hầm Đèo Cả (thay thế quyền thu phí trên cao tốc La Sơn - Túy Loan).
Trước thực tế trên, Bộ GTVT đề xuất hai giải pháp cơ bản xử lý gồm: Bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước đối với 3/8 dự án. Dự kiến, tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng hơn 10.300 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải quyết các bất cập, Bộ GTVT đã chủ trì, lấy ý kiến các bộ, ngành và đã có báo cáo gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng về tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập các dự án BOT giao thông. Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu, đánh giá tổng thể những tác động đối với các dự án BOT khi đưa các tuyến cao tốc vào khai thác sử dụng, làm cơ sở để xây dựng, đề xuất giải pháp phù hợp.
Thời gian qua, mặc dù Bộ GTVT đã nỗ lực triển khai thực hiện, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông và đã đạt được các kết quả nhất định, nhưng chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội. Nguyên nhân là do các dự án triển khai chủ yếu trong giai đoạn 2012 - 2015, thời điểm hệ thống pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP còn hạn chế, bất cập; quá trình rà soát, xác định trách nhiệm của từng dự án cần cẩn trọng.
Đến nay, sau đàm phán, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất về giải pháp xử lý, một số nhà đầu tư ban đầu đã thống nhất bổ sung vốn Nhà nước tham gia không quá 49% tổng mức đầu tư để tiếp tục thực hiện hợp đồng, một số nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ 50% tỷ suất lợi nhuận. Còn các ngân hàng tín dụng chỉ cam kết theo hướng sẽ chia sẻ với Nhà nước, nhà đầu tư... Đây là những khó khăn chưa thể thống nhất giải pháp xử lý hài hòa lợi ích các bên tham gia.
Hiện nay, Bộ GTVT đã tiếp thu, có báo cáo giải trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định giải pháp xử lý theo đúng thẩm quyền.
Báo tin tức