MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần hơn 28.000 tỷ đồng để làm 4 tuyến đường chạy qua địa phận tỉnh Đồng Nai

15-06-2021 - 08:51 AM | Bất động sản

Cần hơn 28.000 tỷ đồng để làm 4 tuyến đường chạy qua địa phận tỉnh Đồng Nai

Tính toán của Sở GTVT Đồng Nai cho thấy, 2 tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú và 2 tuyến đường vành đai 3, 4 chạy qua địa bàn tỉnh cần nguồn vốn hơn 28.000 tỷ đồng, triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo quy hoạch, Đồng Nai được có 5 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường vành. Trong đó, có 3 tuyến cao tốc gồm TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành đã được Bộ GTVT triển khai đầu tư với tổng chiều dài khoảng 157 km.

Còn lại 2 tuyến đường cao tốc và 2 đường vành đai TP.HCM chưa được triển khai xây dựng. Theo tính toán, để thực hiện xây dựng 4 tuyến đường này cần nguồn vốn khoảng hơn 28.000 tỷ đồng.

Cụ thể, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai có chiều dài khoảng 34k m, kinh phí đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng; đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60 km, kinh phí đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Cần hơn 28.000 tỷ đồng để làm 4 tuyến đường chạy qua địa phận tỉnh Đồng Nai - Ảnh 1.
Cần hơn 28.000 tỷ đồng để làm 4 tuyến đường chạy qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Ảnh minh họa

2 tuyến đường vành đai là đoạn 2A đường Vành đai 3 dài khoảng 5 km, kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng và đường Vành đai 4 dài khoảng 47 km, kinh phí đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng.

Theo tính toán Sở GTVT, nếu triển khai đầu tư xây dựng các dự án này theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 14.500 tỷ đồng (khoảng 50% chi phí đầu tư các dự án), bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và hỗ trợ chi phí xây lắp.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km, chạy song song với tuyến QL51.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh QL1 đoạn qua TP. Biên Hòa, điểm cuối giao với tuyến tránh QL56, TP. Bà Rịa.

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư 18.805 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 6.722 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư huy động là hơn 12.083 tỷ đồng.

Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài 59,6 km có điểm đầu giao với QL1 (trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TT. Dầu Giây, huyện Thống Nhất) và điểm cuối giao cắt với QL20 (đoạn thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú). Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong đó phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, chiều rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án bao gồm cả lãi vay trong thời gian thi công xây dựng là hơn 6.600 tỷ đồng.

Theo Nguyên Vũ

Nhà đầu tư

Trở lên trên