Cần hơn 66 tỷ USD xây dựng đường sắt đô thị ở Hà Nội
Theo báo cáo, tổng số vốn TP. Hà Nội cần huy động để xây dựng đường sắt đô thị đến năm 2045 là hơn 66 tỷ USD, trong số này thành phố có thể huy động được gần 58 tỷ USD và cần Trung ương hỗ trợ hơn 8,6 tỷ USD.
- 06-06-2024Thách thức trong phát triển đường sắt đô thị ở TP Hồ Chí Minh
- 06-06-2024Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đủ điều kiện vận hành vào cuối tháng 6
- 05-06-2024Tin vui từ dự án 2.000 tỷ 'nắn thẳng' cung đường sắt đẹp nhất thế giới đi qua tỉnh hẹp nhất Việt Nam
Chiều 7/6, tại Hà Nội , Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì cuộc họp về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô (đề án).
Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết, đề án nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2023 đạt 65-70%.
Theo đề án, đến năm 2030, hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8km/397,8km (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT). Đến năm 2035, hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301 km/397,8 km (khoảng 76% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT). Đến năm 2045, sẽ hoàn thành các tuyến ĐSĐT bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh và quy hoạch Thủ đô .
Tổng số vốn thành phố cần huy động để xây dựng ĐSĐT đến năm 2045 khoảng hơn 66 tỷ USD, trong đó, thành phố có thể huy động được gần 58 tỷ USD và cần Trung ương hỗ trợ hơn 8,6tỷ USD.
Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc, các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA; các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng để thực hiện đề án cần sự nỗ lực rất lớn, phải nghiên cứu kỹ phương án đầu tư, phạm vi quy mô, thứ tự ưu tiên cũng như huy động nguồn vốn để đạt mục tiêu. Các đại biểu cũng nêu, cần làm rõ tính đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, tính kết nối để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của cả hệ thống chạy song song và đồng bộ...
Về kỹ thuật công nghệ, các đại biểu thống nhất phải nghiên cứu, lựa chọn mô hình, công nghệ tiên tiến, hiện đại và phù hợp, trong đó, cân nhắc khả năng làm chủ công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho rằng, đây là một lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều chuyên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, tổ công tác cần phân tích kỹ các ý kiến của các bộ, ngành để sớm bổ sung, hoàn thiện Đề án.
Theo ông Huy, đầu tư phát triển ĐSĐT là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề giao thông đô thị tại thành phố Hà Nội . Ông Huy nêu, trên cơ sở 7 nhóm với 23 cơ chế chính sách, cần rà soát lại từng chính sách về căn cứ pháp luật, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, bất cập hay những chính sách hiện nay có phù hợp với thực tiễn hay xung đột với luật, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đề đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...
Tiền phong