"Cần kiểm soát tỷ lệ tín dụng/GDP để không lặp lại lạm phát như năm 2008 và 2010"
Tín tụng tăng nhanh trong những năm gần đây đã đẩy dư nợ tín dụng lên mức 7 triệu tỷ đồng, tương đương với 130% GDP so với mức 100% GDP cuối năm 2014.
Trong một báo báo mới đưa ra gần đây, các chuyên gia của SSI Research đã đưa ra những khuyến nghị về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng hiện nay.
Cụ thể, trong những năm gần đây, tín dụng tăng nhanh đã đẩy dư nợ tín dụng lên mức 7 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP so với mức 100% GDP vào cuối năm 2014. Chênh lệch tín dụng/GDP (Credit-to-GDP gap) đã liên tục tăng từ mức âm trong năm 2014 lên 30% trong năm 2018. Tỷ lệ tín dụng/GDP cao là một chỉ báo cần phải kiểm soát để không gây lạm phát như đã từng xảy ra trong năm 2008 và 2010.
CPI 9 tháng 2018 đã tăng 3,2% so với cuối năm 2017, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Rủi ro lạm phát chi phí đẩy là đã rõ trong môi trường lãi suất và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng. Giá dầu thô đã tăng 60% chỉ trong 1 năm và tỷ giá diễn biến khó lường là những nhân tố bên ngoài rất khó kiểm soát nên chính sách ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát trong nước cần phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Do đó, các chuyên gia của SSI cho rằng tăng trưởng tín dụng cần được kiểm soát chặt nhằm giảm bớt lượng sức ép thanh khoản, thu hẹp chênh lệch tín dụng/GDP và giữ lạm phát ở mức hợp lý.
Mặc dù không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2018, NHNN đã đưa ra những thông điệp hướng tới việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn, bằng cách ban hành Chỉ thị 04 với điều khoản không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Định hướng này phù hợp với khuyến nghị của IMF rằng cần phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 17% và hướng tới giảm xuống dưới 14% nhằm củng cố sự ổn định vĩ mô.
Theo ước tính của Tổng cục thống kê, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 9,52%, khá thấp so với mức tăng 12,16% cùng kỳ năm 2017 và thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng hiện vào khoảng 14%, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Mức tăng trưởng hiện tại có thể coi là phù hợp với định hướng hạn chế nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế.
Một điểm tích cực là cơ cấu vốn vay đang có sự dịch chuyển. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về 27,7% trong tháng 5/2018 so với mức 33,3% cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả của việc NHNN hạ tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% từ đầu năm 2019, buộc các NHTM phải đẩy mạnh thu hút dòng vốn dài hạn nhằm tái cơ cấu nguồn vốn. Tháng 9 chứng kiến lãi suất huy động tăng ở kỳ hạn dài trên 12 tháng, trong khi các kỳ hạn ngắn vẫn khá ổn định. Tăng trưởng huy động đạt 9,15% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn so với mức 10,66% trong năm 2017.