MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần làm những gì để hưởng trợ cấp thất nghiệp?

02-01-2018 - 08:57 AM | Xã hội

Rất nhiều người nghỉ việc nhưng không biết làm thủ tục như thế nào để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Đây là những chế độ mà người lao động được hưởng khi tham gia BHTN mà bị mất việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người lao động hiểu biết về các quyền lợi này của mình.

Nhiều người không quan tâm đến quyền lợi khi đóng - hưởng BHTN

“Thông thường khi đi làm mình cũng chỉ chú ý đến đóng BH thôi chứ thực sự không để ý đến vấn đề này nên bây giờ mới đi tìm hiểu và để làm chế độ BHTN. Khi đang đi làm việc thì cũng không nghĩ đến ngày mình thất nghiệp nên cũng không quan tâm nhiều lắm” – chị Nguyễn Thị Thu Thủy - quận Tây Hồ - Hà Nội cho biết.

Người lao động nếu không tham gia BHTN thì sẽ không được hưởng các chính sách về BHTN bao gồm có chính sách về trợ cấp thất nghiệp trong thời gian mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, không được tư vấn, không được giới thiệu việc làm, không được cung cấp thông tin và quan trọng hơn là người lao động không được hỗ trợ kinh phí học nghề, đây là một kinh phí từ nguồn BHTN hỗ trợ trở lại cho người lao động với mức không quá 6 tháng và mức bình quân tối đa 1 tháng tùy theo từng nghề và như vậy người lao động sẽ rất thiệt thòi.

Cần làm những thủ tục gì để được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Thực tế đây là băn khoăn của rất nhiều lao động hiện nay. Rất nhiều người nghỉ việc nhưng không biết làm thủ tục như thế nào để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đảm bảo được các thủ tục theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015 của Chính phủ như bản chính hay bản sao có chứng thực về các giấy tờ có xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thứ 2 là sổ BHXH đã được cơ quan BHXH xác nhận về việc tham gia đóng BH thất nghiệp.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội, theo quy trình liên ngành với cơ quan BHXH về việc chi trả trợ cấp BHTN người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thì được nhận, đăng ký trực tiếp bằng tiền mặt tại BHXH quận huyện hoặc nhận qua ngân hàng nơi cơ quan BHXH chi trả.

Sau hơn 7 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được ví như chiếc “phao cứu sinh” cho người lao động trong tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động như hiện nay. Đáng nói là sau khi có quyết định hưởng lợi từ chính sách này, nhiều lao động đã đến đơn vị chức năng để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà bỏ qua các hỗ trợ thiết thực khác như hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm.

“Trong việc phổ biến chính sách pháp luật thì vừa qua khi mà đi tuyên truyền thì chủ yếu chúng ta mới tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động mà theo tôi là cần phải đối thoại trực tiếp với người lao động để người lao động nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa, nội dung về chính sách BHTN để từ đó họ tích cực tham gia, không hạn chế trường hợp người lao động và đơn vị sử dụng lao động thỏa thuận trốn đóng BHTN hoặc đóng thiếu dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người lao động” – ông Vũ Quang Trung, Cục Phó Cục Việc làm, Bộ lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11.390.000 người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016. Hằng năm, có khoảng 4-5 triệu người hưởng chính sách bảo hiểm xã hội ngắn hạn; 150.000 hưởng các chế độ dài hạn và có gần 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Đây là một chính sách không chỉ có lợi cho người lao động và cơ sở sử dụng lao động. Tuy nhiên, nếu chính sách này không được tuyên truyền đầy đủ, việc không nắm được các quyền lợi liên quan đến BH thất nghiệp sẽ là một thiệt thòi lớn cho các đối tượng trên./.

Theo Vũ Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên