MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần làm rõ vì sao tăng giá vẫn hết xăng

Lo ngại việc khó mua xăng dầu trong thời gian qua, người dân tranh thủ mua xăng dầu bằng can nhựa để dự trữ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Lo ngại việc khó mua xăng dầu trong thời gian qua, người dân tranh thủ mua xăng dầu bằng can nhựa để dự trữ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ phân tích và đề nghị thêm giải pháp trước tình trạng thiếu xăng vẫn tiếp tục.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):

Xem xét việc doanh nghiệp kêu điều hành chưa hợp lý

Giá xăng tuần qua đã được điều chỉnh tăng từ hơn 800 đến hơn 1.000 đồng/lít song lác đác ở một số khu vực tại Hà Nội, TP.HCM... vẫn còn tình trạng xếp hàng mua xăng, cây xăng đóng cửa hoặc bán định mức.

Điều này cần cơ quan chức năng phải làm rõ xem tại sao tăng giá rồi vẫn diễn ra việc này. Có còn không việc chi phí vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Hay do vấn đề nguồn cung từ đầu mối nhập khẩu về các đơn vị phân phối còn hạn chế?

Bên cạnh đó thời gian qua câu chuyện điều hành về giá bán xăng dầu chưa hợp lý chính là vấn đề bị các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, bán lẻ xăng dầu kêu ca nhiều nhất.

Trên thế giới giá xăng dầu lên xuống theo từng giờ, từng ngày và vận hành theo thị trường, còn ở nước ta lại để đến 10 ngày mới điều hành giá thì không thể được. Do vậy các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần xem xét điều chỉnh việc này.

Trong đó xác định không thả nổi mà cần có sự điều tiết nhất định của Nhà nước nhưng sát với giá thị trường. Có thể rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 5 ngày. Khi xác định đủ điều kiện có thể tiến hành điều hành giá theo hằng ngày.

Đồng thời khi xem xét tăng chi phí định mức ở mức hợp lý hơn, đảm bảo cho doanh nghiệp không kêu bị lỗ, âm chiết khấu.

Đại biểu TRỊNH XUÂN AN (ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh):

Không thể chấp nhận thiếu xăng dầu

Một đất nước, nền kinh tế có độ mở lớn, GDP hàng trăm tỉ USD, đang có nhu cầu phát triển mà lại thiếu xăng ở thành phố lớn thì không thể chấp nhận được.

Thực tế những lý do như thiếu hụt nguồn cung, chi phí liên quan tới chiết khấu, chi phí hoa hồng... chỉ là phần bề nổi. Bản chất cần xác định là phải thay đổi cơ chế vận hành.

Rất nhiều ý kiến của dư luận trong thời gian qua đã chỉ rõ trong việc quản lý xăng dầu cần có sự thay đổi toàn diện. Từ cơ chế, cách thức vận hành, đặc biệt tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương.

Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, đặc biệt nên Nhà nước cần có sự điều tiết nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường. Do vậy việc quản lý phải xác định được ranh giới giữa Nhà nước và thị trường.

Những vấn đề như giá xăng dầu, mốc thời gian của kỳ điều hành giá cũng cần xem lại một cách toàn diện, đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):

Mấu chốt là không để doanh nghiệp lỗ

Tình hình xăng dầu bất ổn thời gian qua cho thấy cơ chế điều hành xăng dầu hiện có một số bất cập. Vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở giá xăng dầu làm sao để doanh nghiệp kinh doanh không lỗ và vẫn đạt mục tiêu ổn định giá nhằm kiểm soát lạm phát.

Quan điểm ổn định giá xăng dầu để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục đích tốt. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại cơ chế vận hành hiện nay có đảm bảo thực hiện được mục tiêu đó không. Rõ ràng việc vận hành mà hệ thống phân phối xăng dầu bị ách tắc, người dân vẫn thiếu xăng dầu như hiện nay cho thấy mục tiêu ổn định không đạt được.

Nếu Nhà nước vẫn muốn can thiệp vào giá xăng dầu thì phải can thiệp linh hoạt, đáp ứng mục đích bình ổn nền kinh tế, còn không phải xem xét lại quan điểm của việc can thiệp. Trong đó có cả việc tính toán để thị trường tự điều tiết giá bán.

Theo Thành Chung - Tiến Long

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên