MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần nghiên cứu lại gói hàng hóa tính CPI để phản ánh thực chất hơn?

Đại biểu Quốc hội cho rằng trong gói hàng hóa để tính CPI chưa phản ánh thực tế nhóm những mặt hàng thiết yếu tăng rất cao…

Qua các phiên thảo luận tại tổ của kỳ họp đang diễn ra, bản tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội vừa được gửi đến các đại biểu cho thấy một vấn đề từng được đặt ra cùng thời điểm này năm ngoái.

Cụ thể, theo nội dung tổng hợp trên, có ý kiến đại biểu phân tích rằng, Việt Nam cơ bản vẫn đang kiểm soát được lạm phát, chỉ số CPI những tháng đầu năm là 2,1%, thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4% và ở mức thấp so với thế giới, song áp lực ổn định lạm phát là rất lớn.

Đó là áp lực đứng trước xu hướng tăng chỉ số giá tiêu dùng của thế giới và áp lực giải ngân các dự án quan trọng quốc gia trong 6 tháng cuối năm.

Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn, vì trong gói hàng hóa để tính CPI chưa phản ánh thực tế nhóm những mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp tăng rất cao (như xăng dầu, hàng hóa nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng...). Theo đó, đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc, nghiên cứu gói hàng hóa để tính CPI phản ánh thực chất đời sống thực tế hơn.

Liên đến lạm phát, phát biểu ở phiên thảo luận tại tổ ngày 25/5, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý lại những đợt leo thang căng thẳng của lạm phát trước đây để liên hệ với tình hình hiện nay.

Đó là đợt lạm phát nặng nề nhất khi Việt Nam Đổi Mới từ năm 1986 đến 1988. Lúc đó lạm phát 3 con số, gắn với giá lương tiền, điều chỉnh tỷ giá, hạch toán kinh doanh…

Lạm phát gần nhất là lạm phát do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Lạm phát lúc bấy giờ lên tới 23%và năm 2011 là 19%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn lại, hai đợt lạm phát đó buộc Việt Nam phải dùng thuốc liều cao, đó là phải thắt chặt chính sách tài khóa vào chính sách tiền tệ chặt chẽ và không câu nệ tốc độ tăng trưởng nữa mà lúc đó tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

"Nếu các anh chị nhớ lại thời điểm đó thì các dự án dở dang, vì lúc đó tài khóa phải thắt chặt bởi vì lạm phát lên cao rồi và đời sống của người lao động, người dân và đặc biệt những người có thu nhập thấp, người nghèo, hộ chính sách vô cùng khó khăn trước đợt tăng giá đó. Cho nên với dấu hiệu hiện nay, với tình hình giá xăng dầu hiện nay đang tăng lên liên tục như vậy thì tôi thiết nghĩ Chính phủ và bản thân Quốc hội, đại biểu Quốc hội chúng ta cũng cần phải có tiếng nói, là phải nhanh chóng kiểm soát ngay giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng lên", ông Ngân đặt vấn đề.

Vị đại biểu này cho rằng, Việt Nam chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng có công cụ để kiểm soát, có công cụ để kìm hãm tốc độ tăng của giá xăng dầu hiện nay khi tình hình Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại mà tiếp tục leo thang... "Như vậy khả năng kiểm soát giá xăng dầu chúng ta còn công cụ là gì? Chúng ta còn có thuế bảo vệ môi trường, hôm trước chúng ta đã giảm được 50%, bây giờ chúng ta phải tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với giá xăng dầu trong điều kiện này", đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị.

Theo chuyên gia này, đối với mặt hàng xăng dầu không còn là một mặt hàng đặc biệt nữa, không còn là một mặt hàng giống như rượu hay thuốc lá, mỹ phẩm mà là những mặt hàng rất cần thiết, không có lý do gì mà đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu trong thời điểm hiện nay đang rất khó khăn như vậy.

Ông cho rằng việc này Quốc hội phải có ý kiến chứ không phải chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định phí bảo vệ môi trường nhưng đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì phải thông qua Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đặt vấn đề, cũng như đề cập đến rổ hàng hóa tính CPI hiện nay, tại phiên thảo luận trên: "Chúng ta rất tốt, có quá nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát lạm phát, nhưng chúng ta chỉ mới vòng một là tính được giá xăng thôi. Nhưng giá xăng đi đến gói xôi, đi đến đĩa cơm, đi đến hàng hóa thì chúng ta chưa tính tới và tháng 5 này chúng ta sẽ thấy, tháng 6 chúng ta sẽ thấy, sẽ lan tỏa thì lúc đó chúng ta mới thấy được hết. Còn những rổ hàng hóa của các nước thì khác với cơ cấu của mình".

Cần nghiên cứu lại gói hàng hóa tính CPI để phản ánh thực chất hơn? - Ảnh 1.

Rổ hàng hóa tính CPI, cũng mức độ "phản ánh thực chất hơn" như đại biểu Quốc hội đề nghị ở trên từng là vấn đề đặt ra hồi tháng 5/2021. Trước diễn biến giá vật liệu xây dựng leo thang, có ý kiến cần xem lại cách tính CPI vì kết quả cập nhật vẫn rất thấp.

Khi đó, đại diện Tổng cục Thống kê trong một bài trả lời phỏng vấn đã lý giải rằng, phương pháp tính CPI được Tổng cục Thống kê áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của ILO ban hành năm 2020.

"Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực", đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định.

Vị đại diện này cũng cho biết, hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại điện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều sử dụng số liệu CPI của Tổng cục Thống kê trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đều tin tưởng và thường xuyên sử dụng số liệu CPI trong nghiên cứu và trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Theo Khánh Phương

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên