Căn nhà tí hon chỉ 6m2 của người phụ nữ cô đơn trong khu tập thể cổ giữa lòng thủ đô
Trong khu tập thể cổ kính có tuổi đời gần 1 thế kỷ, có những hộ gia đình sống chung trong khoảng không gian chật hẹp chỉ vỏn vẹn 6m2, lại còn có nguy cơ chực sập, như nhà cô Dậu.
Vòng đi vòng lại mấy lần trong con ngõ đông đúc nằm trên tuyến phố sầm uất Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội), quan sát mãi chúng tôi mới tìm được đến đúng nơi mình cần. Khu tập thể Văn Chương nằm lọt thỏm sau gốc đa cổ thụ to đùng, với cái cổng vòm nhỏ xinh cổ kính nhưng gắn đầy công tơ điện hiện đại, và cả những thứ đối lập nhau xen lẫn xưa và nay trông chẳng lẫn đi đâu được.
Cuộc sống sinh hoạt ở đây rất bình dị, đậm chất Hà thành, giữ nguyên nhiều nét mộc mạc như thời bao cấp.
Bước lên chiếc cầu thang gạch cũ kỹ đã vỡ hết lan can, phủ đầy rêu mốc xanh với đen xì, chúng tôi hỏi thăm nhà cô Đinh Thị Dậu (60 tuổi) trên tầng 2, một trong những hộ dân khá đặc biệt tại khu tập thể Văn Chương . Các dãy nhà quanh đây đều có tuổi đời từ rất lâu rồi, xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều kiến trúc cổ còn tồn tại song song với cuộc sống người dân như mái vòm, sân chung, bếp... với những nét sinh hoạt được giữ nguyên như thời bao cấp.
Nhà cô Dậu cũng không ngoại lệ, và nó còn đặc biệt hơn ở chỗ là chỉ… vỏn vẹn 6m2, trước đây gia đình cô 3 thế hệ cùng vất vả chen chúc.
Cái cửa này bề ngang bao nhiêu thì trong nhà cũng chỉ rộng bấy nhiêu.
Giờ sống 1 mình nên cô Dậu mới dám mua sắm thêm đồ đạc, cái đệm nằm vẫn phải dựng lên để đi lại.
Chúng tôi gặp may khi người phụ nữ độc thân vui vẻ này có nhà. Nhét người qua cánh cửa bé tí, bước cẩn thận qua cả đống đồ đạc vật dụng linh tinh khác, chỗ này phải gọi là phòng chứ không phải nhà nữa. Cô Dậu bảo, lẽ ra hôm nay cô đi từ thiện ở biên giới Nghệ An - Lào nhưng đau xương không dậy được nên nằm nhà. Cô vừa cười vừa nói liến thoắng, mở đầu dăm ba câu chuyện mà khiến tôi cũng gai người theo: “Tôi bị gai đôi cột sống 8 đốt, chùn 3 đốt xương, xốp xương, loãng xương, vôi hoá, teo chân đi thậm thọt nữa. Lắm lúc đau quá phải bò đi đánh răng rửa mặt, không bước được bình thường. Nhìn thế này thôi, phụ tùng bên trong xập xệ ốm yếu lắm rồi (cười)”.
Cô Dậu vốn là gái gốc Hà thành , các cụ thân sinh ở tận mạn Ngô Sĩ Liên. Lấy chồng xong cô có 3 người con, 2 trai 1 gái, cả nhà 5 người cùng chuyển về ở trong ngõ Văn Chương đã mấy thập kỷ rồi. Vì nhà quá chật nên khi trưởng thành, các con cô lần lượt thoát ly vào Sài Gòn sinh sống, may mắn là con gái út lấy chồng ngay chợ Mơ, nên thường xuyên ghé về thăm mẹ được. Chồng mất từ 4 năm trước do đột quỵ, nên giờ cô chỉ còn “mỗi cái thân già” tự xoay sở trong căn nhà tí hon.
“Căn nhà này tôi mua cách đây hơn 20 năm, còn cái khu tập thể này ngót nghét cũng được gần thế kỷ rồi. Trước đây cả gia đình chung sống nên rất chật chội, giờ cuộc sống thay đổi nhiều, chỉ còn mình tôi ở đây. Thế này còn đỡ hơn nhà bên cạnh, 24m2 cơi nới ra mà tận 3 hộ, gần 20 người sống chung”. Cô Dậu nói xong liền cho chúng tôi leo lên căn gác ọp ẹp bên trên tham quan. Nhưng vừa thò chân lên được 2 bước, tôi sợ quá phải xuống ngay, vì… cả căn nhà rung rinh theo sự di chuyển của chúng tôi, cái trần ốp nhựa cũ đã võng cả xuống, một góc sàn gác xép nghiêng hẳn sang bên phải, trông chỉ chực sập!
Ngôi nhà tí hon cô Dậu đang ở đã xuống cấp khá trầm trọng, cột kèo đều phải chống đỡ tạm bợ bằng gach, gỗ, phế liệu.
Trần nhà cũ mốc, sụt hẳn xuống như sắp sập, mối mọt cắn lung tung.
Chỉ có 6m2 nên cái kệ bếp cũng phải xây khiêm tốn thế này, nấu ăn thì phải ra ngoài.
Căn gác xép 4m2 chất đầy đồ đạc lỉnh kỉnh, từng là nơi vợ chồng cô Dậu nằm ngủ, nhường phía dưới cho các con.
Nhà cô Dậu cũng như cả khu tập thể, đều ngăn với nhà hàng xóm bằng bức vách nhựa mỏng tang.
Người phụ nữ này 60 tuổi mà trẻ trung từ dáng vóc đến tâm hồn. Đau yếu lắm nhưng cô rất lạc quan, hay cười. Có một điều thú vị là cô Dậu có gương mặt rất giống với nữ diễn viên gạo cội Kim Xuyến, nên bạn bè, người quen hay đùa là “bà Kim Xuyến già”. Sống một mình nhưng cô vui vẻ lắm, rất thân thiện với mọi người, chẳng thích “xây dựng hình tượng” làm một bà già khó tính.
Gương mặt phúc hậu của người phụ nữ này thường bị mọi người nhầm với nữ diễn viên Kim Xuyến.
Cuộc sống 1 mình hiện tại của cô rất đơn giản, ít nấu cơm, thuốc thang là nhiều.
Cô không quen nằm một chỗ hưởng thụ, nên từ lúc về hưu, mùa hè các con phụng dưỡng vì nắng nóng cô không ra ngoài được, đến mùa đông cô đạp xe đi tự bán bún ở phố Trần Quý Cáp. Ngoài ra, cứ lúc nào không đau xương là cô theo mọi người đi làm từ thiện khắp nơi.
“Trước đây các con tôi cũng đón mẹ vào Nam ở, an hưởng tuổi già, nhưng ngồi rảnh tôi không chịu được, liều trốn con đi, giả vờ bảo chúng ra Bắc để thuê trọ bán hàng ăn ở quận khác. Xui xẻo làm sao, bán được mấy hôm thì bị con và đồng nghiệp "bắt quả tang", chúng cải trang vào quán ăn xong còn trêu chọc mẹ là bà Kim Xuyến đi diễn vai bán bún, nên cuối cùng tôi lại ra Bắc ở một mình cho thoải mái, thích gì làm nấy”. Cô Dậu xởi lởi tâm sự.
Dù căn nhà đang ở suốt 30 năm rất bé và bất tiện , nhưng có nhiều kỉ niệm và nếp sống quen thuộc mà cô Dậu không muốn rời bỏ. Bao nhiêu chuyện bi hài trong cái xóm thời bao cấp này, nhà cửa thì xập xệ nứt vỡ, hàng xóm sát vách thò qua tường “vẫy tay chào nhau”. Sinh hoạt chung cái gì cũng ở ngoài sân, từ nhặt nhau rửa bát đến tắm giặt đều diễn ra bên cái bể nước cũ. Lũ trẻ thường xuyên cười nói rộn rã quanh khu nhà, leo trèo từ nhà này sang nhà khác nhanh như sóc, vì nhà nào cũng bé tí đi vài bước là qua hết. Nhịp sống thường nhật ở đây rất chậm rãi, nhẹ nhàng, có những cụ già gần trăm tuổi rồi vẫn đi lại quanh xóm như những mảnh hồn cũ xưa điểm tô cho cuộc sống hiện đại. Nhà cửa được người dân tu sửa nhiều, nhưng đa phần vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ kính, nhiều nơi xuống cấp trầm trọng vẫn không ai nỡ phá bỏ đi. Cô Dậu đã già, nhưng bao ký ức và sự gắn bó của cô với khoảng không gian tí xíu trong khu tập thể Văn Chương thì vẫn luôn sống động tươi mới.
Căn nhà 6m2 của cô Dậu thuộc hàng nhỏ nhất trong khu tập thể Văn Chương, lọt thỏm trong góc cầu thang.
Cái vòi nước này là nơi quây quần chia sẻ bao câu chuyện buồn vui của khu tập thể già nua.
Có thể tìm thấy ở đây những nét sống bình dị, giản đơn giữa thủ đô đông đúc, chật chội.
afamily