MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân nhắc 4 điều sau khi bạn bè, người thân hỏi vay tiền: Vừa không thành “ATM sống”, vừa không phải “quỳ xuống đòi nợ”

04-11-2021 - 10:30 AM | Sống

Khó xử nhất trên đời là bạn bè, người thân vay tiền. Không cho vay thì mất lòng mà cho vay thì dễ mất tiền.

Một trong những điều tối kỵ nhất giữa những người có mối quan hệ thân thiết với nhau đó chính là vay tiền. Hỏi 10 người thì đến 9 người đều trả lời tiền bạc là thứ đụng vào dễ ảnh hưởng đến tình cảm nhất. Bằng chứng là có người còn trơ trẽn, coi bạn như "cây ATM sống" - lợi dụng mối quan hệ để liên tục hỏi vay, rút rỉa càng nhiều tiền càng tốt. Có người lúc đi vay thì tử tế, lúc trả nợ lại thành "thượng đế" khiến bạn thiếu điều muốn "quỳ xuống đòi nợ" cũng không lấy lại được tiền.

Để tránh trường hợp xấu nhất - mất tiền, mất luôn mối quan hệ khi được bạn bè, người thân vay tiền, bạn cần cân nhắc ít nhất là 4 điều sau:

Hỏi rõ mục đích vay tiền

Cho dù ai đó muốn mượn bạn 100 triệu hay chỉ 1 triệu, bạn hoàn toàn có quyền được biết họ dự định dùng tiền để làm gì. Con số càng lớn, càng phải hỏi kỹ.

Mượn tiền cũng phải xem xét xem hoàn cảnh ra sao. Nếu đối phương thật sự cấp bách, bạn có thể cho vay. Còn nếu họ muốn cho vay chỉ để ăn chơi, mua sắm hay thì cần phải xem xét lại việc nên hay không nên cho vay tiền. Cho họ vay tiền vào những trường hợp này chính là tiếp tay đẩy họ đến với khủng hoảng tài chính, nợ nần chồng chất nhanh hơn chứ không hề giúp đỡ họ chút nào.

Chưa hết, với những khoản nhỏ như vài trăm, vài triệu bạn có thể thoải mái cho vay, nhưng nếu con số đó là vài chục triệu, cả trăm triệu hoặc cao hơn nữa, dù thân đến đâu cũng nên có thỏa thuận trên giấy tờ cụ thể để tránh trở thành "ATM sống" hay phải "quỳ xuống đòi nợ" lúc sau.

Cân nhắc 4 điều sau khi bạn bè, người thân hỏi vay tiền: Vừa không thành “ATM sống”, vừa không phải “quỳ xuống đòi nợ” - Ảnh 1.

Bạn có quyền từ chối

Nếu việc cho vay tiền có thể ảnh hưởng đến các khoản chi thiết yếu, khiến bạn gặp rủi ro về tài chính trong tương lai hoặc đơn giản là bạn không thoải mái với người vay, bạn hoàn toàn có quyền từ chối. Dù lý do của họ là gì đi chăng nữa, hay mức độ thân thiết của mối quan hệ này ra sao, bạn cũng chẳng có gì phải sợ hay cả nể mà "bấm bụng" cho vay khi mình không muốn.

Cho bạn bè, người thân mượn tiền là tình cảm chứ không phải bổn phận. Nếu như một người chỉ vì chúng ta không cho mượn tiền mà trở mặt thì cũng đừng quá bận tâm.

Khi người ta đã không cần tiếp tục mối quan hệ, giải tán cũng là một cách hay.

Ðặt ra điều kiện cụ thể

Nếu bạn quyết định cho vay tiền, hãy đưa ra các điều kiện cụ thể với đối phương.

Nếu là một khoản tiền nhỏ, bạn có thể nói miệng thời gian hoàn trả khoản tiền đó. Còn nếu là một khoản kha khá, bạn cần có giấy tờ rõ ràng, cụ thể khi nào sẽ trả, lãi suất hàng tháng, trả trong bao lâu hay mỗi tháng trả bao nhiêu.

Dù rằng có phần hơi cứng nhắc, "khó khăn" với bạn bè, người thân khi rạch ròi như thế, song, đây cũng lại là cách đơn giản nhất để tránh những cãi vã, mâu thuẫn hay điều tiếng về sau.

Cân nhắc 4 điều sau khi bạn bè, người thân hỏi vay tiền: Vừa không thành “ATM sống”, vừa không phải “quỳ xuống đòi nợ” - Ảnh 2.

Chấp nhận trước có thể sẽ mất luôn tiền

Tùy thuộc vào người vay và hoàn cảnh của khoản vay, hãy chấp nhận rằng có trường hợp bạn sẽ không bao giờ nhận lại được toàn bộ số tiền đó nhưng vẫn phải "rút ví".

Chẳng hạn như khi một bạn thân bị bệnh cần dùng tiền gấp, hay thật sự túng thiếu có thể ảnh hưởng đến sống còn, nếu như trong phạm vi năng lực bản thân cho phép bạn có thể giúp một tay dù chẳng biết khi nào lấy lại được. Thế nhưng, đây là tình huống không thể nào bỏ qua hay ngó lơ đơn thuần được nữa rồi.

Việc bạn cho người thân hay bạn bè vay tiền cũng giống như trò chơi may rủi vậy. Thế nên đừng cho vay nhiều hơn khả năng của bạn, để nếu mất cũng không quá đau lòng.

Theo NE

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên