MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cần nhận diện các biểu hiện tiêu cực giữa người có chức, có quyền với doanh nghiệp'

Nhấn mạnh việc kinh tế thị trường phát triển mạnh, dẫn đến việc phát sinh những tồn tại, mặt trái, TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính T.Ư, cho rằng, cần nhận diện các biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, giữa doanh nghiệp và người có chức vụ, quyền hạn để đề ra các giải pháp phù hợp, kịp thời.

Sáng 27/8, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (T.Ư) tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính; quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Đảng bộ Khối. Theo Ban tổ chức, hội nghị được truyền trực tiếp đến 52 điểm cầu Đảng uỷ trực thuộc Đảng uỷ Khối, 187 điểm cầu cấp cơ sở, với hơn 30 nghìn đảng viên tham dự.

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính T.Ư, trình bày chuyên đề: Một số kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; công tác giáo dục liêm chính để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Trường, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có bước đột phá, toàn diện, rõ rệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

'Cần nhận diện các biểu hiện tiêu cực giữa người có chức, có quyền với doanh nghiệp'- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị tại Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư. (Ảnh: PV)

Ông Trường đã nêu một số kết quả cụ thể của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua - được báo cáo tại Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới đây.

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có 141 cán bộ diện T.Ư quản lý bị kỷ luật (trong đó xử lý hình sự 55 người); trong số này, có 31 uỷ viên, nguyên uỷ viên T.Ư (xử lý hình sự 16 người).

Từ đầu năm 2024 đến nay, có 230 đảng viên bị xử lý kỷ luật vì tham nhũng, trong đó có 45 cán bộ diện T.Ư quản lý. Đáng chú ý, đảng viên bị kỷ luật do suy thoái là 4.004 người, gấp gần 20 lần con số đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng. Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 475 vụ án/1.094 bị can về các tội tham nhũng, trong đó có 16 cán bộ diện T.Ư quản lý.

Về một số vụ án nổi cộm, ông Trường cho biết, riêng vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn , đã khởi tố 23 bị can, trong đó có 1 bí thư tỉnh uỷ, 1 nguyên bí thư tỉnh uỷ, 1 phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, 2 chủ tịch UBND tỉnh, 1 nguyên chủ tịch UBND tỉnh. Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An , đến nay đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 2 cán bộ diện T.Ư quản lý, gồm 1 bí thư tỉnh uỷ và 1 phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

TS. Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh, có một số vấn đề thực tiễn đặt ra cần quan tâm giải quyết trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Cụ thể, vấn đề toàn cầu hoá, hội nhập tác động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tham nhũng có yếu tố nước ngoài, rửa tiền, bỏ trốn, tẩu tán tài sản.

Hai là, kinh tế thị trường phát triển mạnh, dẫn đến việc phát sinh những tồn tại, mặt trái; cần nhận diện các biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong mối quan hệ giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, giữa doanh nghiệp và người có chức vụ, quyền hạn để đề ra các giải pháp phù hợp, kịp thời.

'Cần nhận diện các biểu hiện tiêu cực giữa người có chức, có quyền với doanh nghiệp'- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính T.Ư. (Ảnh: PV)

Một vấn đề nữa, theo ông Trường, việc xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực có làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm chùn bước, nảy sinh tư tưởng làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm... Đáng chú ý, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực như đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu, ngân hàng, đăng kiểm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi...

Ngoài ra, thực tế cũng đặt vấn đề về đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; vấn đề thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức vẫn thấp hơn so với mức sống cần thiết; xử lý tài sản, thu nhập tăng không giải trình được nguồn gốc; vấn đề kiểm soát tài sản toàn xã hội; thu hồi tài sản tẩu tán ra nước ngoài. Vấn đề kiểm soát quyền lực; xây dựng và hình thành hệ thống lý luận phòng chống tham nhũng, tiêu cực đồng bộ, đặc sắc Việt Nam...

Xây dựng văn hoá liêm chính

Nêu một số quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, TS. Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh, vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có phát biểu quan trọng tại Phiên họp Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với cách làm khoa học, phù hợp, biện chứng, toàn diện, hiệu quả hơn; phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh 3 yêu cầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực : Trước hết, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Thứ hai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải được triển khai đến tận cơ sở đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ ba, đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Nêu các biện pháp cụ thể, TS. Nguyễn Xuân Trường cho rằng, một trong những biện pháp cần thiết là kiên trì xây dựng văn hoá liêm chính, đẩy mạnh giáo dục liêm chính .

Hiện nay, theo ông Trường, Ban Nội chính T.Ư đang nghiên cứu soạn thảo Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính. Dự thảo đề án khuyến cáo 7 phương pháp, cách làm về giáo dục liêm chính.

Cụ thể, cần xây dựng, quán triệt, triển khai thực hiện các quy định về đạo đức, văn hoá công vụ, tạo khuôn khổ thể chế giúp cán bộ, đảng viên định vị hành vi, đạo đức của bản thân trong công việc, cuộc sống, tránh vi phạm. Tuyên truyền về liêm chính thông qua báo chí truyền thông, mạng xã hội, các hoạt động sáng tác, biểu diễn. Giáo dục liêm chính bằng việc nêu gương liêm chính của cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Giáo dục liêm chính thông qua triển khai nghiêm túc và hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh...

'Cần nhận diện các biểu hiện tiêu cực giữa người có chức, có quyền với doanh nghiệp'- Ảnh 3.

Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan T.Ư Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.

Tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, theo ông Thể, cần nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, trung thực, xây dựng văn hóa, tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ông Thể nhấn mạnh, luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện, phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

"Việc thực hành dân chủ ở cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hành phòng, chống tham nhũng, tiêu cực , giúp công tác này đi vào thực chất, quyết liệt và hiệu quả hơn", ông Thể nhấn mạnh.

Trên cơ sở các nội dung quán triệt tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ quán triệt, thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, đầy đủ và tham gia thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giáo dục liêm chính, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng; thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tài chính, tài sản cơ quan hằng năm theo đúng quy định....

Theo Trường Phong

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên