Cần những gì để mở lại bay thương mại quốc tế?
Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa thể mở lại bay thương mại quốc tế, song cần chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng mở lại khi có thể, đặc biệt cần sớm có các chính sách chuẩn bị đón khách an toàn.
- 28-02-2021Hàng hóa qua cảng biển tháng 1 tăng kỷ lục
- 28-02-2021Hơn 2 tỷ USD đổ vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong 2 tháng đầu năm
- 28-02-2021Gần 29 nghìn lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong hai tháng đầu năm
- 28-02-2021Cảng Quốc tế Long An dự kiến được mở rộng quy mô vào năm 2023
Đầu tháng 1-2021, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thúc đẩy nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ tới các nước sau dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại tại Việt Nam, kế hoạch này đang được xếp sau những ưu tiên khác. Nhiều người cho rằng mặc dù hiện nay Việt Nam chưa thể mở lại bay thương mại quốc tế, song cần chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng mở lại khi có thể, nhằm thực hiện "mục tiêu kép" và đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản, thiết yếu của công dân.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 toàn cầu đang thuyên giảm với số ca mắc mới toàn cầu đã giảm một nửa so với giai đoạn đỉnh dịch, giới chuyên gia cho rằng mặc dù vắc-xin chưa "góp công" bao nhiêu trong các diễn biến tích cực của dịch bệnh, nhưng cùng với thời gian, hiệu quả từ chúng hẳn sẽ thể hiện rõ ràng hơn.
Các nước đang đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin để phòng bệnh cho cộng đồng. Để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60%-70% dân số trở lên. Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tính đến việc Việt Nam chuẩn bị đón khách quốc tế an toàn như thế nào, để các điểm đến an toàn ở nước ta thành cơ hội phục hồi, phát triển hàng không và du lịch cũng như kinh tế nói chung mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Ngoại giao cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi với các đối tác ở các nước có hệ số an toàn cao về việc có thể nối lại các đường bay thương mại, thường lệ giữa Việt Nam và các đối tác này. Đối với một số đối tác cũng có mong muốn mở lại đường bay thương mại tới Việt Nam, các cơ quan chức năng hàng không của Việt Nam cũng nghiên cứu và trao đổi về các quy trình và thời điểm cụ thể khi nào có thể tiến hành nối lại các chuyến bay.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh nêu trường hợp Israel đã tiêm chủng cho 49% dân số và có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng đã giúp giảm lây nhiễm. Thủ tướng Israel thông báo sẽ dỡ dần các hạn chế giao tiếp xã hội và sẽ cấp "Thẻ xanh - Green Pass" cho những ai đã có miễn dịch dù là qua tiêm chủng hay bị nhiễm đã khỏi.
Thủ tướng Anh cũng cam kết sẽ tiêm chủng cho tất cả người lớn trước 31-7-2021. Một số tổ chức xã hội Anh đã kêu gọi cho phép đi nước ngoài, trong đó có tổ chức "Cứu lấy Mùa hè". Một số ý kiến cho rằng các nước kiểm soát tốt Covid-19 như Việt Nam có thể là điểm đến sớm cho du lịch quốc tế khi cuộc sống quay lại bình thường.
"Có lẽ chúng ta cũng cần sớm có các chính sách chuẩn bị cho ngày tươi đẹp này và đón các khách an toàn, chẳng hạn cho phép những ai có Green Pass - chứng chỉ miễn dịch, sau khi xét nghiệm âm tính thì được đi lại, tham quan hoặc làm việc ở Việt Nam"- Đại sứ Vũ Quang Minh chia sẻ.
Trước băn khoăn về nguy cơ "hộ chiếu vắc-xin" giả, Đại sứ Vũ Quang Minh cho rằng các quy định hình phạt nặng và các biện pháp công nghệ để phân biệt giấy tờ thật giả như big data (dữ liệu lớn), các công nghệ nhận dạng, kết nối database (dữ liệu nền tảng) sẽ giúp giảm tình trạng này.
Dù vẫn còn nhiều tranh luận về việc mở lại đón khách quốc tế song điều quan trọng là để mở lại các chuyến bay thương mại thường lệ và đón khách quốc tế vào Việt Nam, trước tiên cần có quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc về việc phòng dịch với các đối tượng này trong tình hình mới.
Chính phủ có một đơn vị đầu mối chủ trì với các Bộ, Ban, ngành liên quan nhằm thống nhất được bộ quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng không và hành khách để vừa phải mở cửa nền kinh tế, vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch. Quy định của các Bộ, ngành cần đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, bao phủ hết các lĩnh vực để các cơ quan chức năng, hãng hàng không và hành khách có thể hiểu và thực hiện nhất quán.
Bởi vì trước đó, sau 2 chuyến bay quốc tế thử nghiệm chở khách vào Hà Nội và TP HCM cuối tháng 9-2020, các chuyến bay thương mại quốc tế chở khách vào Việt Nam phải tạm dừng do phương thức quản lý, cách ly khách từ các chuyến bay này chưa thống nhất. Các chuyến bay tạm dừng để chờ cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn quy trình cách ly, áp dụng thống nhất cho cả nước.
"Cần sớm có chính sách hướng dẫn các hãng hàng không, công ty du lịch và cơ sở lưu trú đối với việc tiếp nhận khách an toàn vào Việt Nam. Và tất nhiên cả chính sách với người Việt có miễn dịch"- Đại sứ Vũ Quang Minh nêu quan điểm.
Báo chí Thái Lan ngày 23-2 cho biết, trong nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ nước này đang xem xét kế hoạch miễn cách ly 2 tuần đối với các du khách nước ngoài, nếu họ có bằng chứng xác nhận đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Nhà chức trách Thái Lan cũng sẽ đưa ra một kế hoạch để theo vết những du khách này trong thời gian họ lưu trú trên đất Thái.
Người Lao Động