Cần phá bỏ rào cản tâm lý và dùng sức mạnh tập thể để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt
Theo bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược kiêm giám đốc Khối bán lẻ của VIB, từ trước tới nay các ngân hàng đã nỗ lực đưa nhiều kênh thanh toán không tiền mặt tới người tiêu dùng nhưng chủ yếu dựa vào sức mạnh đơn lẻ của từng ngân hàng...
- 31-05-2019Thanh toán không tiền mặt: Ngại tính pháp lý
- 30-05-2019Thanh toán di động tăng 170% trong năm 2018
- 30-05-2019Dịch vụ thanh toán mang lại nguồn lợi nhuận thế nào cho ngân hàng?
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam tiền mặt hiện vẫn chiếm đa số. Cách đây vài tháng, khi nhắc tới mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 đưa tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10%, nhiều người tin rằng đó là điều "bất khả thi". Tuy nhiên thời gian gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, yêu cầu việc xây dựng "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì thực hiện thì thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước tiến đáng kể.
Chia sẻ tại sự kiện Banking Vietnam 2019 với chủ đề Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, trong số các trụ cột để thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thì thanh toán điện tử là một trong những trụ cột rất quan trọng. Năm 2018 đã đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán Internet, thanh toán di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 19,5% và 169,5% về giá trị giao dịch so với năm 2017. Hãng kiểm toán PwC còn xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm vừa qua.
Để có được kết quả như trên, theo lãnh đạo NHNN, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm, dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt...); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc (contactless payment) tốc độ và tiện lợi...
Bên lề sự kiện Banking Vietnam 2019, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thu Hương, Giám đốc chiến lược kiêm Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ của VIB – một trong 2 ngân hàng cùng với Vietcombank – tham gia tham luận về giải pháp phát triển tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới.
PV: Bà có thể chia sẻ về thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta hiện nay?
Bà Trần Thu Hương: Không dùng tiền mặt trên thế giới đang tăng trưởng rất nhanh, khoảng 13%, trong đó ở châu Á tăng tới 30%. Trong không dùng tiền mặt, kênh thẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 67% là dùng thẻ, và các kênh để thanh toán thì được yêu thích nhất là mobile, sau đó là internet, kênh network lại xếp cuối.
Như ở VIB, chúng tôi nắm bắt được xu hướng thế giới nên từ lâu đã tập trung vào phát triển thanh toán điện tử qua ngân hàng số đó là MyVIB và thẻ. Nhiều công nghệ được ứng dụng cùng một lúc như QR code, quản lý thẻ realtimes, các giao dịch tại MyVIB chỉ 3-5 giây là xong. Ngân hàng cũng đang phát triển trợ lý ảo trên ngân hàng điện tử - là xu thế dẫn đầu hiện nay. Tháng 5 này, VIB là ngân hàng đầu tiên trên thị trường đưa về Việt Nam công nghệ thẻ ảo và Green PIN, tức là khách hàng sẽ không cần chờ vài ngày để phát hành thẻ vật lý hay chờ một một thời gian để kích hoạt mã PIN, mà chỉ cần khi ngân hàng gửi tin nhắn tới khách hàng thông báo chấp thuận mở thẻ thì ngay lập tức người dùng sẽ được cấp số thẻ và mã pin qua MyVIB hoặc ngân hàng điện tử và có thể giao dịch được ngay. Bộ đôi công nghệ mới nhất này sẽ giúp rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng, thay vì chờ 5 ngày để nhận được thẻ và giao dịch, thì giờ chỉ còn 3-5 phút.
Ở Việt Nam, đã có rất nhiều yếu tố tích cực làm nền tảng cho việc thúc đẩy chi tiêu không dùng tiền mặt. Hơn 44% khách hàng của ngân hàng đang dùng ngân hàng điện tử, có trên 160 triệu thẻ đang được sử dụng và hơn 10 triệu người dùng ví điện tử. Việt Nam cũng có đến hơn 66% dân số sử dụng điện thoại, trong đó 72% sử dụng điện thoại thông minh. Chúng ta cũng đang có một thế hệ trẻ chiếm tới 35% dân số là những người đam mê công nghệ và yêu thích khám phá các trải nghiệm tiêu dùng mới.
Gần đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có định hướng rõ ràng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN cũng có những hành động quyết liệt với nhiều tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc không dùng tiền mặt và đã có những tác động rõ rệt. Đó là điều kiện thuận lợi để cho ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung trong việc thúc đẩy chi tiêu không dùng tiền mặt.
Người dân đã cởi mở hơn với các hình thức thanh toán phi tiền mặt, nhưng phần lớn vẫn e ngại về các loại phí phát sinh, theo bà nên chăng các ngân hàng hãy đưa ra các giải pháp để giảm hoặc miễn phí nhằm khuyến khích người dùng hơn nữa?
Các ngân hàng luôn mong muốn đưa ra những giải pháp để phá bỏ những rào cản ban đầu của người tiêu dùng khi tiếp cận các kênh thanh toán mới. Do đó họ cũng đưa ra các chương trình miễn phí, giảm phí… để khuyến khích người dùng tiếp cận các kênh thanh toán không tiền mặt này. Ví dụ tại VIB, chúng tôi dành nhiều ưu đãi miễn phí khi dùng ứng dụng trên điện thoại di động, ra đời nhiều dòng thẻ hấp dẫn kích thích sự tò mò và yêu thích của người tiêu dùng như thẻ miễn lãi suất trọn đời, miễn phí thường niên trọn đời,…và thực tế lượng khách hàng sử dụng thẻ và giao dịch qua ứng dụng di động MyVIB đã tăng trưởng rất ấn tượng trong thời gian qua.
Một số ngân hàng vẫn thu phí, thậm chí là tăng thu vì muốn lãi nhiều hơn từ dịch vụ. Tại sao lại có sự mâu thuẫn giữa các ngân hàng trong chính sách khuyến khích người dùng như vậy?
Tôi không nghĩ đó là sự mâu thuẫn. Mỗi ngân hàng đều có sự lựa chọn nên làm cái nào trước, cái nào sau và kết hợp sao cho hài hòa tuỳ thuộc chiến lược của mình.
Như ở ngân hàng chúng tôi mong muốn giới thiệu tới khách hàng các kênh chi tiêu không tiền mặt mới này, qua MyVIB, qua thẻ… với những ưu đãi đặc biệt để khách hàng có tâm lý háo hức và sẵn sàng tiếp cận. Khi khách hàng đã yêu thích và tin tưởng các dịch vụ mới, hài lòng với các trải nghiệm mới, khách hàng luôn sẵn lòng chi trả những khoản phí để người cung cấp dịch vụ có thể duy trì, cải tiến các dịch vụ ưu việt hơn.
Đầu tư công nghệ rất tốn kém, người dùng lại muốn được trải nghiệm dịch vụ ngày càng tốt và ít mất phí, nếu không sẽ chuyển sang ngân hàng khác. Có khi nào các ngân hàng sẽ thấy mệt mỏi trong chạy đua công nghệ?
Nếu chúng ta coi đó là chạy đua thì sẽ thấy mệt mỏi, còn nếu coi đó là chiến lược cần phải làm thì lại thấy rất háo hức và thú vị. Các ngân hàng cần phải đầu tư để có công nghệ tốt nhất đón đầu xu hướng. Khoản đầu tư có thể là lớn, nhưng đầu tư vào công nghệ, con người, cơ sở vật chất thì không bao giờ lỗi thời mà luôn mang lại giá trị thặng dư lớn cho khách hàng và cho các ngân hàng.
Càng nhiều ngân hàng và các tổ chức tham gia lộ trình này, chúng ta càng nhanh chóng tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt như định hướng Chính phủ đề ra, bắt nhịp với khu vực và thế giới.
Bà đề xuất giải pháp toàn diện gì để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian tới?
Có 2 yếu tố quan trọng để thúc đẩy thanh toán tiền mặt, theo tôi, đó là cung và cầu.
Cung là từ phía Chính phủ tạo điều kiện bằng các hành lang pháp lý, các định hướng chiến lược để ngân hàng, các công ty Fintech, Bigtech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt. Khi có được các hành lang pháp lý và các chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý thì các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Còn về phía cầu chính là ý thức của người dân. Từ trước tới nay các ngân hàng đang nỗ lực đưa nhiều kênh thanh toán không tiền mặt tới người tiêu dùng nhưng chủ yếu dựa vào sức mạnh đơn lẻ của từng ngân hàng mà chưa dựa vào sức mạnh tập thể. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, NHNN đã rất tích cực và sát sao triển khai, kêu gọi các ngân hàng đồng loạt vào cuộc để tạo ra hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao ý thức người dân. Hiểu biết của người dân càng cao thì những giải pháp tiên tiến của các ngân hàng và các công ty công nghệ cho các hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ được người dân đón nhận dễ dàng hơn.
Tôi cho rằng cung và cầu cần diễn ra cùng một lúc. Trong một thời gian ngắn, các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực sự có tác động rộng lớn đến xã hội, thúc đẩy các ngân hàng phải có phản ứng, có chiến lược để vào cuộc bài bản hơn, cùng Chính phủ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt nhanh hơn tại Việt Nam.
Bên cạnh các ngân hàng thì các tổ chức trung gian thanh toán cũng tham gia thị trường thanh toán điện tử một cách mạnh mẽ, và không chỉ có các tổ chức trong nước mà còn cả các định chế tài chính khổng lồ nước ngoài. Theo bà, tương lai của thanh toán không tiền mặt sẽ thế nào và nằm trong tay ai?
Càng nhiều đối tác tham gia trong quá trình phi tiền mặt hoá, xã hội càng có lợi. Tương lai của thanh toán không tiền mặt sẽ nằm ở sự lựa chọn của người tiêu dùng cho những giải pháp đơn giản, tiện ích nhất và mang lại giá trị sử dụng tốt nhất.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Trí Thức Trẻ