Cần sớm giải quyết vấn đề lương, phụ cấp cho giáo viên, cán bộ y tế
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phản ánh tình trạng giáo viên ở các khu vực khó khăn, y tế cơ sở có thu nhập khá thấp, gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng các nhu cầu cuộc sống và công việc.
Đô thị lớn cũng thiếu trường học, giáo viên
Sáng 10/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị báo cáo bổ sung phản ánh sai phạm của đăng kiểm cả nước; hành vi vận chuyển ma tuý, nhất là qua đường hàng không ngày càng tinh vi (vừa qua Công an TP.HCM khởi tố vụ án với hàng chục bị can); cùng với đó là tình trạng thiếu trường học, phòng học, giáo viên ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, chứ không chỉ ở vùng khó khăn.
Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phản ánh tình trạng giáo viên ở các khu vực khó khăn có thu nhập khá thấp, gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng các nhu cầu cuộc sống và công việc.
Qua các phiên tiếp xúc cử tri, ông Vinh cho biết, nhiều ý kiến ở địa phương đề nghị nghiên cứu nâng mức phụ cấp cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non để lực lượng này có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với cán bộ y tế cơ sở. “Đây là vấn đề này đã được đề cập nhiều lần nên cần sớm giải quyết hiệu quả”, ông Vinh kiến nghị.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề cập đến tâm lý làm việc cầm chừng, né tránh, sợ trách nhiệm đang phổ biến ở một số cơ quan, đơn vị, nhất là ở địa phương.
Theo bà, cử tri cũng băn khoăn khi nhiều địa phương tăng trưởng thấp, nhất là các tỉnh, thành phố những năm trước đây tăng trưởng 2 con số, có đóng góp lớn cho nền kinh tế thì nay lại âm.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần nêu bật được lĩnh vực nào chuyển biến tích cực, cơ quan nào được nâng lên so với năm trước, kỳ trước để báo cáo có sức nặng hơn.
Nguồn ở đâu để sản xuất kinh doanh?
Qua giám sát và xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, lãi suất vẫn cao và điều kiện cho vay vẫn phức tạp, trong khi qua hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến “sức khoẻ” doanh nghiệp bị bào mòn.
Bên cạnh đó, việc hoàn thuế VAT còn chậm trễ, có doanh nghiệp chưa được hoàn thuế hàng trăm tỉ đồng. “Tiếp cận tín dụng khó, hoàn thuế chưa được thì nguồn ở đâu để sản xuất kinh doanh? Đề nghị sớm có giải pháp, ai sai thì xử lý nghiêm, ai làm đúng phải có cách giải quyết, còn cứ “treo” như thế thì khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Thanh nêu.
Ông Thanh cũng phản ánh, VCCI có kiến nghị về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính. “Có việc trước đây đa số đồng thuận là thực hiện được nhưng giờ chỉ cần một ngành, cơ quan không đồng ý thì có khi quay làm lại, xin ý kiến dẫn đến kéo dài, chi phí tăng cao”, ông Thanh cho hay.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu phản ánh của doanh nghiệp về những quy định mới rất khó thực hiện như về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy khiến chi phí tuân thủ tăng lên rất cao, cần sớm tháo gỡ để đưa nhiều dự án vào hoạt động.
Về lĩnh vực du lịch, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị xem xét lại cách thống kê để đảm bảo chính xác, vì có người đi mấy tỉnh song đến đâu cũng được tính vào tổng lượt của nơi đó. Theo ông, điều quan trọng là chất lượng thu từ du lịch, dịch vụ thế nào, vì “nhiều người mang đồ ăn, thức uống đi sử dụng dọc đường, doanh thu của nhà hàng không được bao nhiêu”.
tienphong.vn