MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần tập trung thu hút đầu tư vào các hạ tầng cơ bản để phát huy tối đa lợi thế "vùng"

Xây dựng, hoàn thiện thể chế và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư của từng địa phương cho đến vùng và liên vùng, qua đó mới tạo điều kiện để thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng hiện đại, quy mô và tiện ích.

Phát triển liên kết "vùng" là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các "vùng" và các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nghị quyết Đại hội đã xác định: phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các "vùng”; Đồng thời, định hướng phát triển các "vùng" theo hướng "khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi "vùng" về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết "nội vùng" và "liên vùng" để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới... Cần phải làm gì để hiện thực hoá mục tiêu này?.

Để có liên kết vùng thì yếu tố tiên quyết là phải có hạ tầng và kết nối hạ tầng. Theo ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, trong các hạ tầng cơ bản, thiết yếu thì giao thông thuận lợi, thông suốt giữa các địa phương chính là cơ sở để kết nối vùng và liên vùng cũng như tạo ra các hạ tầng quan trọng khác: "Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố sớm tập trung đẩy nhanh xây dựng các dự án giao thông kết nối đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố trong vùng nhằm tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy hình thành phát triển các vành đai công nghiệp, các cụm liên kết ngành và hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ; Quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các trung tâm Logictics quy mô lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương và các tỉnh có tiềm năng để xây dựng các trung tâm Logictics trung chuyển, nhằm phát triển và phát huy khả năng tương tác, hỗ trợ qua lại lẫn nhau, hiệu quả giảm chi phí cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tạo động lực cho phát triển trong cả vùng…"

Cần tập trung thu hút đầu tư vào các hạ tầng cơ bản để phát huy tối đa lợi thế "vùng" - Ảnh 1.

Quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các trung tâm Logictics quy mô lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương và các tỉnh có tiềm năng. (Ảnh minh hoạ).

Từ thực tế của Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) - địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội - là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước, thời gian qua, nhờ có sự liên kết, hợp tác, giao lưu kinh tế mà một số địa phương trong Vùng ĐBSH đã có sự phát triển bứt phá về hạ tầng giao thông, logistics…

Mặc dù vậy, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương vẫn còn rất nhiều việc mà chính quyền các địa phương trong vùng cần phải liên kết với nhau trong triển khai thực hiện mới có thể thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước: "Có những lĩnh vực mà chúng tôi thấy rằng là tính liên kết vùng thì vẫn còn chưa tận dụng được hết. Ví dụ như đối với quy hoạch về trung tâm Logistics thì vùng đồng bằng sông Hồng vô cùng được ưu ái khi mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1012 năm 2015 cho khu vực đồng bằng sông Hồng có hẳn một trung tâm Logistic hạng 1 nằm ở khu vực Bắc Hà Nội; Trung tâm Logistic hạng 2 nằm ở Nam Hà Nội; và đến năm 2030 còn có cả những trung tâm Logistic có diện tích đến 50 hecta được kết nối với các cảng - từ hàng không cho đến cảng biển trong khu vực, nhưng cho tới nay chúng ta vẫn chưa có. Vậy thì công tác thu hút đầu tư trong mảng này rất cần sự đồng hành liên kết của các địa phương với nhau…".

Đồng quan điểm này, song bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội nhấn mạnh vai trò của Bộ Công Thương trong việc phát triển hạ tầng logistics kết nối vùng và liên vùng: "Theo tôi suy nghĩ thì nhiều tỉnh trong vùng có điều kiện phát triển logistics trong lĩnh vực đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường sông… cho nên tôi rất muốn là lĩnh vực này thì Bộ Công Thương sẽ đứng vai trò chủ đạo để định hướng, dẫn dắt cho các tỉnh, và chúng ta chỉ rõ những địa điểm để phát triển cho nó khỏi bị chồng chéo, và phát huy được hiệu quả, khai thác được hết các tuyến đường mà chúng ta có lợi thế ở trong vùng…".

Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng để xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, vận tải, logistics, hệ thống thương mại… sẽ tạo sự thuận lợi cho sự vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa. Ông Triệu Đăng Khoa - Giám đốc HTX Trạm bạc Đồng Xâm (thuộc HH Làng nghề Trạm bạc Đồng Xâm, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho rằng: "Khi tạo được sự liên kết thì cũng khá thuận tiện cho sản phẩm của làng nghề Trạm bạc Đồng Xâm vì mọi người đều được biết đến, rồi tất cả những việc giao thương rộng rãi thì sản phẩm Trạm bạc Đồng Xâm chắc chắn sẽ được lan tỏa rộng hơn…".

Cần tập trung thu hút đầu tư vào các hạ tầng cơ bản để phát huy tối đa lợi thế "vùng" - Ảnh 2.

TP.HCM và 6 tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ sẽ thành lập Hội đồng điều phối liên kết vùng. (Ảnh minh hoạ)

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Đình Thiên, sau khi đã có các cơ sở hạ tầng kết nối, để có được sự liên kết thực thụ thì rất cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp tại các địa phương trong vùng và liên vùng: "Điều đầu tiên sau kết nối vùng là phải tiến đến tổ chức một cấu trúc sản xuất, làm sao mà các đơn vị, các tỉnh có thể liên kết được với nhau. Cho nên người ta hay nói đến một cấu trúc gọi là những cụm liên kết ngành. Thì việc đầu tiên là cái tầm nhìn trong quy hoạch đối với vùng là phải tạo ra những cụm phát triển ngành, và như thế thì mới có thể liên kết được. Tự cấu trúc kinh tế nó buộc các doanh nghiệp đầu tư vào đấy là phải liên kết.

Thứ hai là về mặt thể chế, thì những nhận định lâu nay nói chúng ta có vùng thì nó là vùng địa lý thôi, chứ còn vùng để hợp tác phát triển là phần thể chế chúng ta chưa có. Chúng ta có những cái gọi là Hội đồng tư vấn vùng nhưng hoạt động thực chất nó chưa có nhiều. Bởi vì chưa có quyền lực, chưa có ngân sách, chưa có bộ máy thể chế,… tức là chưa có một cái gì để cho Hội đồng ấy có thể phối hợp với các tỉnh, cùng với các tỉnh để tạo ra một hoạt động thực chất giữa các tỉnh.

Cho nên muốn có một cái liên kết vùng đích thực về mặt thể chế thì phải có một Hội đồng vùng có đủ quyền lực, có đủ nguồn lực và có một cơ chế vận hành mang tính hiệu lực cao. Thứ 2 là phải có những dự án liên kết vùng phải bảo đảm rằng những dự án đấy là nó vừa là kết nối vùng lại với nhau để không bị tắc nghẽn... chứ hiện nay giữa 2 tỉnh có khi chỉ cách nhau một hòn gạch mà không làm sao mà kết nối được...".

Rõ ràng, điều quan trọng nhất đó chính là xây dựng, hoàn thiện thể chế và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư của từng địa phương cho đến vùng và liên vùng, qua đó mới tạo điều kiện để thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng hiện đại, quy mô và tiện ích như ý kiến của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - và Đầu tư: "Chính phủ hằng năm cũng đã ban hành Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Do đó, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương trong vùng cần tập trung triển khai một cách có hiệu quả các Nghị quyết này để cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng. Các địa phương trong vùng thì cần chủ động liên kết, thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo vùng và xây dựng, ban hành các dự án thu hút đầu tư theo phương thức PPP giai đoạn 2021-2030 kèm theo các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư tư nhân, qua đó giúp doanh nghiệp hiểu rõ và tạo niềm tin khi tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng..."./.

Theo Nguyên Long

VOV

Trở lên trên