Can thiệp không hiệu quả, đồng yên vẫn liên tục bị bán tháo, dự kiến lại thủng đáy mới
Nhiều nhà giao dịch dự đoán đồng yên có khả năng trượt giá xuống mức thấp mới trong 34 năm, đạt 170 yên/USD khi đồng tiền Nhật Bản vẫn tiếp tục bị bán tháo mạnh.
- 14-06-2024Đồng yên sẽ đi về đâu?
- 14-06-2024BOJ quyết định giữ nguyên lãi suất, chưa cắt giảm mua trái phiếu ngay, đồng yên lập tức giảm gần đáy lịch sử
- 09-06-2024Rắc rối lớn với đồng yên Nhật mới sắp lưu hành
Theo công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS và Mizuho Bank, đồng yên có khả năng giảm xuống còn 170 yên đổi 1 USD, tức mất giá khoảng 10 yên so với mức hiện tại và cũng là mức thấp kỷ lục mới kể từ năm 1986, trong bối cảnh các traders tiếp tục bán đồng yên để đổi lấy đồng bạc xanh có lãi suất cao hơn.
Các nhà đầu tư nhận thấy hiện tại có rất ít chất xúc tác, kể cả là Nhật Bản mua đồng yên, để đảo ngược đà giảm của đồng yên – vốn đã giảm 12% từ đầu năm đến nay. Những biến động của thị trường kể từ đầu tháng 5 đã chứng minh điều này, khi đồng yên gần như quay trở lại mức thấp như cũ dù cho chính phủ chi số tiền kỷ lục 9,8 nghìn tỷ yên (61,4 tỷ USD) nhằm hỗ trợ đồng yên.
Nick Twidale của ATFX Global Markets, người đã giao dịch đồng tiền Nhật Bản trong 1/4 thế kỷ, cho biết: “Khả năng mốc 170 yên/USD có thể xảy đến tương đối nhanh”.
Các nhà giao dịch quả quyết về khả năng đồng yên sắp giảm giá mạnh với lý do khoảng cách lãi suất ngày càng lớn giữa Nhật Bản với Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vẫn chưa cắt giảm lãi suất và duy trì ở mức 5,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang giữ lãi suất chỉ ở mức trên 0.
Chênh lệch lãi suất lớn đã khiến đồng yên – đồng tiền được giao dịch nhiều thứ ba trên thế giới, bị bán mạnh tay để đổi lấy loại tiền có lợi suất cao hơn, bao gồm đồng đô la Mỹ, euro, thậm chí là đồng tiền ở thị trường mới nổi.
Hôm thứ Hai, Masato Kanda, quan chức tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, đưa ra cảnh báo hôm thứ Hai rằng chính quyền sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên, phát biểu của ông có rất ít tác động.
Sau lời phát biểu của ông Kanda, đồng yên tăng nhẹ so với đồng đô la trong giao dịch buổi sáng ở Tokyo, đạt 159,5 yên/USD, xấp xỉ mức 160,17 yên/USD được thiết lập vào ngày 29/4 khi Nhật Bản can thiệp hỗ trợ đồng yên.
Shinji Kunibe, giám đốc danh mục đầu tư tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho biết đồng tiền Nhật Bản có thể mạnh lên mức 150 yên/USD nếu can thiệp, nhưng “về lâu dài, đồng yên sẽ trượt xuống mức 170 yên/USD”.
Không phải tất cả các nhà quan sát đều có quan điểm tiêu cực về đồng yên. Taro Kimura, chuyên gia kinh tế cấp cao về Nhật Bản, cho rằng “đồng yên có khả năng mạnh lên trong những tháng tới khi chênh lệch lãi suất trở nên thuận lợi hơn”. Quan điểm của ông dựa trên dự đoán BOJ tăng lãi suất hai lần và Fed sẽ cắt giảm hai lần vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, hiện tại, các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho những biến động thị trường nếu Tokyo can thiệp một lần nữa.
Hiroshi Namioka, chiến lược gia trưởng tại T&D Asset Management, dự đoán khả năng can thiệp có thể xảy ra nếu mỗi ngày đồng yên giảm đi “hơn 1 yên so với USD”.
Theo Japan Times
Nhịp Sống Thị Trường