MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần Thơ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết tình trạng 'kẹt xe'

Vào giờ cao điểm khu vực nội ô TP. Cần Thơ thường xuyên xảy ra kẹt xe. Ảnh An Hòa

Vào giờ cao điểm khu vực nội ô TP. Cần Thơ thường xuyên xảy ra kẹt xe. Ảnh An Hòa

Với số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, vào giờ cao điểm, nội ô TP. Cần Thơ đã xảy ra tình trạng ‘kẹt xe’ tại nhiều tuyến đường. Để giải quyết tình trạng ‘kẹt xe’, địa phương đã lên kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết vấn nạn này.

 Cân nhắc giữa 2 phương án: Hầm chui và cầu vượt

Theo Sở GTVT TP. Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn thành phố đã có hơn 800.000 mô tô, xe máy và hơn 40.000 xe ôtô đăng ký lưu hành, đó là chưa kể lưu lượng rất lớn phương tiện từ các địa phương khác đến.

Vào 4 khung giờ cao điểm: sáng, trưa, đầu giờ chiều và cuối buổi chiều tại khu vực trung tâm TP. Cần Thơ có nhiều tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Đáng quan tâm là tại 5 nút giao tại các tuyến đường: Mậu Thân – Trần Hưng Đạo - 3 tháng 2; Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh - 30/4; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ;  3 tháng 2 - Nguyễn Văn Linh tình trạng kẹt xe giờ cao điểm diễn ra hàng ngày làm cho việc đi lại rất khó khăn và không đảm bảo an toàn giao thông.

Tuyến quốc lộ 91B, nút giao Nguyễn Văn Linh - 3/2, là tuyến vận tải hàng hóa chính từ khu công nghiệp Trà Nóc lên TP. HCM nên có rất nhiều xe tải trọng lớn, container lưu thông. Nút giao này được xem là "điểm đen" giao thông khi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn làm nhiều người chết do va chạm giữa xe máy và xe container.

Ngoài ra, các tuyến đường như: Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ nối dài, 3/2, 30/4…cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Huỳnh Trung Trứ cho biết, nhằm giải quyết tình trạng "kẹt xe" trên địa bàn, mới đây quận được giao làm chủ đầu tư dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông nói trên. Hiện quận đang khẩn trương phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở GTVT để làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao này.

Trong giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư mở rộng nút giao, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập. Giai đoạn 2 sẽ xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ, dự án đầu mở rộng 5 nút giao đã được HĐND thành phố thông qua, hiện nay sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương để triển khai dự án này.

"Giai đoạn 1 là mở rộng 5 nút giao, giai đoạn tiếp theo là chọn một trong hai phương án: làm hầm chui hoặc xây cầu vượt tại các nút giao. Sở GTVT đang nghiên về phương án xây cầu vượt bởi những ưu điểm như giá trị đầu tư thấp, kỹ thuật thi công dễ hơn hầm chui, cầu vượt được thiết kế đẹp sẽ tạo điểm nhấn mỹ quan đô thị. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng, tầng đất thấp, địa chất yếu nên việc đầu tư công trình ngầm sẽ rất tốn kém và kém an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do đó Sở GTVT đề xuất UBND thành phố lựa chọn phương án xây cầu vượt tại các nút giao này. Trước mắt là đầu tư 2 cầu vượt tại nút giao Mậu Thân – Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Linh – 3/2”, ông Dũng cho hay.

Cần Thơ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết tình trạng kẹt xe - Ảnh 1.

Cần Thơ dự kến xây cầu vượt tại các nút giao để giải quyết tình trạng kẹt xe. Ảnh: TL.

 Hàng loạt dụ án giao thông lớn sắp được triển khai

Thực hiện theo tinh thần Đề án số 06-ĐA/TU của Thành ủy Cần Thơ, UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch số 99. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030, địa phương sẽ ưu tiên đầu tư 60 dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn huy động khác. Các dự án này tùy theo phân cấp sẽ do Bộ GTVT, Sở GTVT, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, UBND quận Ninh Kiều chủ trì triển khai thực hiện.

Trong đó có các dự án như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua địa bàn Cần Thơ khoảng 1,2 km), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua Cần Thơ khoảng 38 km), QL91 (đoạn km0 - km7), tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, đường Nam Sông Hậu (đoạn qua Cần Thơ khoảng 8 km), QL61C (đoạn qua Cần Thơ khoảng 10 km), đường vành đai phía tây TP. Cần Thơ (nối QL91 và QL61C), phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, địa phương cũng phối hợp với Bộ GTVT hoàn chỉnh giai đoạn 2 luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, xây dựng hoàn chỉnh Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ theo quy hoạch và mở rộng thêm diện tích khoảng 340 ha; cầu và đường dẫn vào cầu Cần Thơ 2 (thuộc tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), đường sắt TP.HCM - TP. Cần Thơ…

Ở lĩnh vực logistics, giai đoạn 2021-2025, địa phương sẽ kêu gọi đầu tư dự án xây dựng trung tâm logistics gắn với cảng Cái Cui (diện tích tối thiểu 50 ha, năng lực hàng hóa thông qua 8 triệu tấn/năm), dự án xây dựng trung tâm logistics gắn với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (diện tích tối thiểu 30 ha, năng lực hàng hóa thông qua 250.000 tấn/năm).

Giai đoạn 2026 - 2030 sẽ xây dựng hoàn chỉnh trung tâm logistics gắn với cảng Cái Cui theo quy hoạch trung tâm logistics hạng II (tổng diện tích 242,2 ha, năng lực hàng hóa thông qua 25 triệu tấn/năm), dự án xây dựng hoàn chỉnh trung tâm logistics gắn với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (diện tích tối thiểu 100 ha, năng lực hàng hóa thông qua 1 triệu tấn/năm).

UBND TP. Cần Thơ giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành thành phố, UBND quận huyện ưu tiên tập trung bố trí 100% vốn ngân sách hoặc tối thiểu 50% vốn ngân sách (nếu dự án đầu tư theo hình thức PPP) để đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án đúng lộ trình đã đề ra.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ, cùng với việc đầu tư, cải thiện hạ tầng, để giải quyết vấn nạn "kẹt xe" trong thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với ngành hữu quan trong quy hoạch tăng tỉ lệ đất dành cho giao thông từ 24-26%. Song song đó ngành giao thông cũng tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong điều tiết giao thông để giảm ùn tắc giao thông. Trong năm 2022, địa phương sẽ khởi công xây dựng Trung tâm Quản lý giao thông đô thị, gói thầu quản lý giao thông thông minh tại 15 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Theo An Hoà

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên