Cần Thơ huy động hơn 55.000 tỉ đầu tư xây dựng cơ bản
Qua công tác quản lý về đầu tư xây dựng cơ bản, TP Cần Thơ đã tiết kiệm hơn 500 tỉ tiền ngân sách.
Ngày 20-3, UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng cơ bản năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2018.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đánh giá cao kết quả huy động vốn đầu tư toàn xã hội của TP đạt gần 55.800 tỉ. Ảnh: NN
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đánh giá, năm 2017 TP làm được nhiều việc, nhưng có bốn việc nổi bật là kết quả huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội được gần 55.800 tỉ đồng, tăng gần ¼ so với năm 2016.
Tổng vốn đầu tư công được bố trí 5.577 tỉ, tăng 1.690 tỉ so với năm 2016, đã góp phần thỏa mãn thêm nhu cầu trong vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản của TP.
Hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) tuy còn mới, khó khăn nhưng các sở ngành đã xác định được danh mục cho TP 14 dự án bước đầu, trong đó dự án đường tỉnh 923 đã có nhà đầu tư.
Công tác quản lý đầu tư về xây dựng cơ bản như thẩm định, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế xây dựng dự toán công trình, đấu thầu chào hàng cạnh tranh và thẩm tra phê duyệt quyết toán đã tiết kiệm được số tiền hơn 500 tỉ đồng cho ngân sách.
Cạnh đó, ông Thống cũng nêu ra bảy vấn đề còn tồn tại như tỉ lệ giải ngân còn thấp; việc định giá đất cụ thể để bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở một số dự án còn chậm; vấn đề quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư và sử dụng tư vấn giám sát ở một số dự án chưa tốt.
Việc quyết toán các công trình làm xong còn chậm (23 dự án chậm 24 tháng, 11 dự án dưới 24 tháng), Chủ tịch UBND TP chỉ đạo: “Tôi gia hạn trong tháng 4 phải nộp báo cáo quyết toán cho Sở Tài chính để thẩm tra quyết toán. Nếu hết tháng 4 không xong thì Sở Tài chính có báo cáo cho UBND TP tham mưu theo hướng xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư làm gương, để khi sơ kết sáu tháng và tổng kết năm 2018 không còn xảy ra tình trạng như vậy nữa”.
Vấn đề nợ tạm ứng xây dựng cơ bản dây dưa nhiều năm trước đến nay còn xử lý chậm chạp. Việc này, ông Thống yêu cầu các chủ đầu tư tự rà soát, xử lý trong tháng 3. Qua tháng 4, TP sẽ làm việc với Kho Bạc và các ngành liên quan báo cáo về những công trình còn nợ tạm ứng quá thời gian chưa thu hồi được để xử lý dứt điểm, làm sao tiền của Nhà nước phải được thu hồi đến từng đồng, không để thất thoát.
Theo báo cáo của Kho Bạc, hiện còn bốn dự án còn nợ tạm ứng với số tiền gần 1,3 tỉ đồng gồm dự án đường tỉnh 921, dự án đường Mậu Thân – sân bay Trà Nóc, dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (giai đoạn 1) và dự án kè sông Cần Thơ.
Đoạn 7km còn lại của Quốc lộ 91 thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy mặt đường nhỏ hẹp và xấu nhưng phải chờ vốn đầu tư sau năm 2020. Ảnh: NN
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, dự án 7km còn lại của Quốc lộ 91 (thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều, Bình Thủy, có tên là đường Cách Mạng Tháng Tám và Lê Hồng Phong – NV) thuộc nhiệm vụ của Bộ GTVT, thời gian qua TP cũng đã báo cáo Bộ để bố trí vốn nâng cấp tuyến đường này nhưng Bộ cũng đã báo lại là chưa có nguồn vốn bố trí trong giai đoạn trung hạn 2016-2020, phấn đấu sau năm 2020 sẽ xem xét.
Dự án cầu và đường Trần Hoàng Na hiện nay TP đã lựa chọn xong nhà thầu và đã bàn giao mặt bằng, sẽ triển khai trong năm 2018. Công trình hồ Bún Xáng , hiện TP đã yêu cầu Ban quản lý ODA chấm dứt nhà thầu liên doanh Cường Thịnh và tổ chức mời nhà thầu mới với mục tiêu đến cuối năm 2018 phải hoàn thành.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh