Cần trả lại bình yên cho vịnh Nha Trang
Thời gian gần đây, vịnh Nha Trang (danh thắng cấp quốc gia) xuất hiện nhiều dự án đổ đất, đá lấn biển trái phép để làm dự án.
- 14-10-2017Vụ lấp trái phép gần 13 ngàn m2 vịnh Nha Trang: Xử phạt công ty Hòn Rùa
- 10-10-2017Phải "trảm" các dự án lấn vịnh Nha Trang
- 04-10-2017Xử phạt hơn 100 triệu đồng dự án lấn hơn 17 nghìn m2 biển vịnh Nha Trang
Điều lạ là khi báo chí lên tiếng, các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa mới biết và rục rịch đi kiểm tra, phát hiện sai phạm. Danh thắng quốc gia bị xâm hại một phần do công tác quản lý, giám sát thực hiện các dự án kề vịnh Nha Trang có vấn đề.
Từ xâm lấn vịnh Nha Trang…
Mấy ngày qua, Công ty CP Khu du lịch Champarama (chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & spa) triển khai hàng loạt xe múc đưa khối đất, đá đổ trái phép xuống vịnh Nha Trang lên khỏi mặt biển.
Ngoài bị xử phạt 105 triệu đồng, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Công ty CP Khu du lịch Champarama chấm dứt ngay các hành vi vi phạm và khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước ngày 16.10.
Để đổ hơn 17 nghìn m2 đất, đá trái phép xuống vịnh Nha Trang, chủ đầu tư phải thực hiện trong cả một thời gian dài. Thế nhưng, suốt thời gian ấy, không một đơn vị chức năng nào kiểm tra. Chủ đầu tư thì ung dung rằng mình không sai phạm. Và họ cứ thế xâm hại danh thắng cấp quốc gia.
Trong khi đó, hành vi lấn chiếm đất hoặc sử dụng trái phép di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật quy định tại điểm b, khoản 5, điều 23, Nghị định 158 (năm 2013) của Chính phủ về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Sau khi kiểm tra, công luận được tỏ thêm, ngoài lấn vịnh Nha Trang, Công ty CP Khu du lịch Champarama còn không thực hiện giám sát môi trường không khí xung quanh và nước biển ven bờ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Mức xử phạt dù áp dụng vào luật nhưng bị không ít người đánh giá là “muỗi đốt voi”.
Một dự án khác có tên trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái hòn Rùa của Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa đang triển khai ở hòn Rùa (vịnh Nha Trang) cũng đang bị kiểm tra, làm rõ có hay không sai phạm trong quá trình thực hiện. Không phải xa về khoảng cách và khó khăn gì về tầm nhìn, chỉ cần đứng ở đường biển Phạm Văn Đồng nhìn ra vịnh Nha Trang chừng vài km, người dân đã thấy hòn đảo này bị “xẻ” làm đường và đổ đất đá lấn biển.
Tương tự dự án Khu du lịch Champarama Resort và Spa, đoàn kiểm tra của Sở TNMT “tá hỏa” kiểm tra dự án này khi xuất hiện thông tin phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trước đó nữa, dự án Công viên Văn hóa Giải trí Thể thao Nha Trang Sao (Công ty CP Nha Trang Sao) cũng đổ đất lấn biển (gần 22.968m2) để thi công công trình nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Mang “danh phận” là danh thắng quốc gia, được điều tiết bởi Luật Di sản, mọi tác động, làm thay đổi hiện trạng, đều phải tuân thủ luật này, nhưng vẻ như nhìn lại các dự án vô tư sai phạm, công luận thấy xót xa cho vịnh Nha Trang, kèm theo nghi hoặc về công tác quản lý, giám sát các dự án kề vịnh Nha Trang.
... đến không phải muốn là được!
Tháng 4.2017, đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2000) khu vực phía Đông đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang) vấp phải nhiều ý kiến trái chiều vì nhiều điểm dọc bờ vịnh Nha Trang sẽ lấn biển để tạo công viên, bãi tắm, khu dịch vụ. Đến cử tri cũng đề nghị làm rõ đồ án mang ý tưởng lấn biển này. KTS Nguyễn Văn Lộc - nguyên GĐ Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thẳng thừng, Nha Trang nơi du khách, người dân chiêm ngưỡng không gian, hưởng không khí trong lành, chứ không phải ra đây ăn nhậu, vui chơi theo kiểu đô thị hóa.
“Bây giờ lại tịnh tiến ra, đưa công trình quy mô lớn ra sát bờ biển vịnh Nha Trang, vừa vi phạm luật, vừa không đảm bảo cảnh quan” - KTS Lộc nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, đồ án đang trong giai đoạn được Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn nghiên cứu lập và chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Chủ trương nghiên cứu đồ án đã được UBND tỉnh nêu tại Thông báo số 258 ngày 10.5.2017. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo một số nội dung có liên quan về giải pháp mở rộng bãi cát (theo đề xuất của đơn vị tư vấn) như thống nhất quan điểm chung phải bảo vệ chống xói lở, tạo bãi cát và giảm ô nhiễm cho khu vực bãi tắm dọc tuyến công viên bờ biển.
Tuy nhiên, do có nhiều quan điểm khác nhau về việc đề xuất các vị trí tạo kè chắn sóng, giữ cát khu vực phía Đông đường Trần Phú, yêu cầu nghiên cứu, đánh giá kỹ và tham khảo các đề tài nghiên cứu của các chuyên gia Viện Hải dương học và một số cơ quan khoa học khác về điều kiện tự nhiên, dòng chảy, việc bồi lắng ven biển, giải pháp mở rộng bãi cát... để áp dụng cho phù hợp.
Đối với việc bố trí công trình thấp tầng tại khu vực đầu cầu Trần Phú, UBND tỉnh yêu cầu nghiên cứu, so sánh với phương án ý tưởng đã trình bày trước đây (ngày 30.9.2016), đánh giá các luận cứ khoa học, tính hợp lý và các ưu khuyết điểm của phương án đề xuất.
Tại khu vực Ana Mandana: Nghiên cứu quy hoạch không gian để tổ chức các hoạt động văn hóa dành cho người dân và du khách về đêm. Ý tưởng kết nối trục chính và khu vực quảng trường hướng ra biển của Khu đô thị sân bay Nha Trang với không gian phía Đông đường Trần phú: Cần nghiên cứu hoàn chỉnh phương án cụ thể, tránh ảnh hưởng đến các dự án đang triển khai và các quy hoạch của khu vực này.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu giải pháp khắc phục các nhược điểm của dải bờ biển khu vực ven biển dọc đường Phạm Văn Đồng, đặc biệt khu vực từ Hòn Chồng đến Hòn Một (như: Bờ biển hẹp, bãi đá san hô chết... không tạo được bãi cát, bãi tắm) để mở rộng diện tích công viên, bãi cát và bổ sung các tiện ích phục vụ cộng đồng.
Ngoài ra, do tính chất quan trọng của đồ án, tại thông báo nêu trên, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối với các đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ ý tưởng quy hoạch và báo cáo UBND tỉnh xem xét trước khi tổ chức lấy ý kiến cộng đồng, các cơ quan, đơn vị có liên quan, đơn vị, hội nghề nghiệp được Sở Xây dựng gửi hồ sơ lấy ý kiến phải tập trung góp ý cụ thể, đúng chuyên môn cho từng nội dung đề xuất quy hoạch, nêu rõ cơ sở thống nhất, không thống nhất hoặc đưa ra các đề xuất mới phù hợp hơn, mang tính đóng góp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn trong việc hoàn thiện đồ án.
Rõ ràng, vịnh Nha Trang có “chỗ đứng” nhất định trong lòng người dân địa phương và du khách. Minh chứng là các dự án “lấn” biển Nha Trang hầu như đều khiến công luận phản ứng. Nói như ông Nguyễn Văn Chi - nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: “Phải xác định rằng, ý tưởng lấn biển để làm cái này cái kia là không khả thi, chỉ mang tính chất tham khảo, vì nó tác động đến di sản danh lam quốc gia”.