MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần trao nhiều quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước sở hữu nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng; chưa có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế.

Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) có tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 1,87 triệu tỉ đồng, chiếm 20% GDP cả nước.

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn

Vốn chủ sở hữu và tài sản hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty tăng đáng kể so với năm 2018 - thời điểm các DN nhà nước này được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để trực tiếp quản lý. Theo đó, tổng vốn chủ sở hữu của các "ông lớn" tới cuối năm ngoái là hơn 1,15 triệu tỉ đồng, tăng gần 10% sau 5 năm. Tổng tài sản các DN này nắm giữ đạt gần 2,5 triệu tỉ đồng, bằng 65% tổng tài sản của các DN nhà nước trên cả nước.

Bên cạnh những đóng góp nói trên, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhấn mạnh các DN nhà nước lớn vẫn chưa phát huy hết nguồn lực, chưa phân bổ vốn vào các ngành, lĩnh vực có tính tạo động lực; chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ cao có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế…

Theo ông Phạm Văn Sơn, việc các DN nhà nước triển khai hoạt động đầu tư còn chậm là do chưa đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; có một số nội dung chưa đồng nhất hoặc tăng thêm các bước thủ tục, làm cho quá trình đầu tư kéo dài. "Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN và các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được sửa đổi kịp thời theo thực tiễn, chưa tạo sự chủ động cho DN đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời" - ông Sơn nhận định.

Cần trao nhiều quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 2.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - một trong 19 “ông lớn” thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Để phát huy hơn nữa vai trò của các DN nhà nước, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho rằng cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn, sao cho từng đồng vốn nhà nước đầu tư đem lại hiệu quả khi rót vào các DN.

Cụ thể, đối với DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cần giao cho hội đồng thành viên (HĐTV)/chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty được quyền quyết định các nội dung như: tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của DN trên cơ sở chiến lược, kế hoạch được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt; dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá 5.000 tỉ đồng.

Đối với DN nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Bộ KH-ĐT đề xuất sửa đổi theo nguyên tắc phân cấp cho người đại diện phần vốn nhà nước quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình tại đại hội đồng cổ đông, cuộc họp của hội đồng quản trị, HĐTV.

Sửa luật để tháo gỡ vướng mắc

Đồng tình với việc tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu DN nhà nước trong bối cảnh mới, song Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung lưu ý cần nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cần thực hiện vai trò "nhạc trưởng" trong điều phối, huy động nguồn lực của 19 DN phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội" - ông Trung nhấn mạnh.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhìn nhận một số bất cập tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN, đồng tình việc sửa đổi sẽ là giải pháp căn bản để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho HĐTV, người đại diện phần vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, qua đó tháo gỡ vướng mắc cho DN, đặc biệt trong hoạt động đầu tư. Theo ông, với quy trình thủ tục như hiện nay, việc hoàn thiện hồ sơ đầu tư một dự án mất tới hàng năm trời.

Bên cạnh cơ chế, chính sách, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN Nguyễn Đức Trung cho rằng các DN nhà nước cần phải hiện diện với một năng lực mới, diện mạo mới, thay vì chỉ đơn thuần trở thành một công cụ để điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Ước tính cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực DN nhà nước đạt hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với kế hoạch.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên