MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng cổ phiếu nóng

Trong những cơn sóng tăng, nhóm CP đầu cơ có thể giúp NĐT thu lời tính bằng lần. Nhưng với NĐT không có kinh nghiệm đây lại là nỗi kinh hoàng. Đã có không ít NĐT cháy tài khoản vì ra vào không đúng cơn sóng của những mã CP nóng này.

Lợi nhuận giảm CP vẫn tăng

Đầu năm 2017, mã HAR (CTCP Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền) giao dịch ở mức giá khoảng 2.500 đồng/CP. Nhưng đến phiên giao dịch ngày 9-8, mã này đã chạm mốc 17.500 đồng/CP sau hàng chục phiên tăng trần trong tháng 7 và tháng 8.

Đáng chú ý, HAR không có bất kỳ thông tin gì nổi bật, thậm chí lợi nhuận trong những tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ 2016. Tại ĐHCĐ thường niên 2017 được tổ chức vào cuối tháng 6, nhiều cổ đông của doanh nghiệp đã tỏ ra thất vọng vì kết quả kinh doanh (thua lỗ trong quý IV-2016) và cách tổ chức không chuyên nghiệp (ĐTTC đã có bài “ Thất vọng HAR ” trong số báo ngày 29-6).

Dòng tiền được NĐT sử dụng khi giao dịch với nhóm CP nóng thường xuất phát từ dòng tiền margin. Do vậy, khi dòng tiền đẩy mạnh vào thị trường, những CP nóng càng nở rộ và thu hút thêm nhiều NĐT mới tham gia. Tuy nhiên, sau khi dòng tiền có dấu hiệu rút đi thanh khoản cũng cạn kiệt rất nhanh, khiến NĐT trở tay không kịp. Như vậy, lý do duy nhất để giải thích cho cơn sóng tăng của HAR đến từ động thái đăng ký mua CP HAR của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư KGB và ông Nguyễn Gia Bảo, Chủ tịch HĐQT.

Thế nhưng, sau những đợt sóng không tưởng này, HAR bắt đầu lao dốc trong sự ngỡ ngàng của NĐT. Từ mức đỉnh 17.500 đồng/CP, mã này có gần chục phiên giảm sàn và có thời điểm giảm xuống dưới mức 10.000 đồng/CP (tương đương mức giảm trên 40%). Từ mã CP không được nhiều NĐT quan tâm vì hoạt động kinh doanh không nổi bật, đến nay HAR đã gia nhập vào nhóm CP đầu cơ trên thị trường sau những biến động thất thường.

Những tháng đầu năm 2017, nhiều nhóm ngành khác cũng có những phiên giao dịch ấn tượng, như CP dệt may hay CP phân bón. Mức tăng của nhóm CP này được so với đà tăng phi mã của các CP đầu cơ như NVT, KLF, FIT, HAI, AMD, QCG, BII… Có nhiều lý do được giới đầu tư đưa ra để giải thích, trong đó thông tin được đưa ra nhiều nhất là tình hình cơ bản của doanh nghiệp bất ngờ được cải thiện, doanh nghiệp đang ngập trong nợ nần và thua lỗ bỗng dưng có lãi.

Ngoài ra, còn có những lý do phụ như CP có lực mua mạnh từ các cổ đông nội bộ, hoạt động mua CP quỹ hoặc các nhóm đầu cơ đã bán ra trước đó và đang cover lại hàng; thông tin thâu tóm hoặc nới room ngoại với kỳ vọng mang lại sự lột xác cho doanh nghiệp…

Dù lý do khác nhau nhưng điểm chung của những thông tin này đều phi chính thống, đa phần lan truyền trên các diễn đàn CK hoặc truyền miệng giữa các môi giới với NĐT, hoặc giữa NĐT với nhau.

Mặt trái của thông tin

Cũng chính vì không nắm chắc thông tin, nhiều NĐT đã nếm trái đắng khi đầu tư vào những CP nóng.

Anh T., NĐT tại TPHCM, chia sẻ: “Ngay khi tôi đặt lệnh mua HAR, nhân viên môi giới đã khuyến cáo đây là hàng nóng và đang có dấu hiệu điều chỉnh, nhưng tôi đã bỏ ngoài tai để mua vào một lượng lớn CP HAR, với mức giá hơn 15.000 đồng/CP. Khi HAR giảm về mức 13.000 đồng/CP, nhân viên môi giới đã khuyên tôi bán ra chốt lỗ, nhưng vì quá tin vào thông tin doanh nghiệp sẽ có lãi đột biến trên các diễn đàn tôi vẫn quyết định giữ lại. Đến khi HAR giảm về mức 11.000 đồng/CP, tôi buộc phải bán ra vì không còn khả năng bù thêm tiền để cân bằng tỷ lệ an toàn khi sử dụng margin. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, tài khoản của tôi đã bốc hơi hơn 500 triệu đồng chỉ vì nghe theo tin đồn”.

Một trong những hàng nóng khiến nhiều NĐT cháy tài khoản do không nắm bắt được thông tin là QCG (CTCP Quốc Cường Gia Lai). Dù kết quả kinh doanh không cải thiện nhiều sau thời gian thua lỗ, nhưng với thông tin doanh nghiệp này đạt được thỏa thuận bán dự án Phước Kiển, mã QCG đã có đợt tăng phi mã kể từ thời điểm nửa cuối tháng 3. Từ mức giá hơn 4.000 đồng/CP, QCG đã vọt tăng lên 31.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 29-6.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ năm 2017, sau khi lãnh đạo doanh nghiệp bác thông tin đã bán được dự án Phước Kiển, gần như ngay lập tức QCG rơi vào tình trạng bán tháo. Đến cuối tháng 8, QCG giảm xuống chỉ còn hơn 16.000 đồng/CP.

Nhận diện vùng đỉnh

Chia sẻ kinh nghiệm về nhóm CP đầu cơ, một chuyên gia CK cho biết giao dịch CP nóng thường có những đợt đảo chiều tăng/giảm giá rất mạnh, với khối lượng dễ dàng được kích thích đột biến. Dòng tiền đổ vào CP càng lớn sẽ tạo sự chú ý và kích thích lòng tham của NĐT.

Theo thống kê, dòng tiền năm nay dồi dào hơn rất nhiều so với năm 2016, thanh khoản trung bình tăng đến 65%. Lượng vốn vay margin cũng liên tục tăng cao với tổng dư nợ margin trung bình trong nửa đầu năm 2017 (dựa trên báo cáo của 59 CTCK cho vay margin nhiều nhất thị trường tính đến hết quý II) hiện đang là 27.520 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy đầu tư vào CP nóng hay CP căn bản điều cần thiết nhất là xác định đỉnh của CP. Tại vùng đỉnh thị trường, tâm lý NĐT rất hưng phấn bởi gần như mua gì cũng lãi và trạng thái tài khoản luôn trong tình trạng “full margin”. Đây chính là nguyên nhân gây thua lỗ của các NĐT chơi hàng nóng.

Do đó, xác định đỉnh CP sẽ giúp NĐT tối đa hóa lợi nhuận, hạn chế thua lỗ trong quá trình đầu tư. Song việc xác định chính xác đỉnh thị trường không hề dễ dàng và NĐT chỉ nhận ra khi nó đã đi qua. Tuy vậy, với những NĐT có kinh nghiệm việc xác định đỉnh không quá khó. Điểm nhận diện đầu tiên là thông tin tốt được doanh nghiệp công bố.

Tại vùng đỉnh, nhiều nhận định, đa phần xuất phát từ tâm lý lạc quan thái quá của NĐT, đều cho rằng thị trường sẽ còn lên những mốc cao hơn. Do đó, khi những thông tin, nhận định tích cực liên tục xuất hiện cũng là lúc NĐT nên cẩn trọng với vùng đỉnh của thị trường.

Một trong những dấu hiệu nhận diện đỉnh là tốc độ tăng của CP. Thông thường, sau thời gian tăng nóng, CP có dấu hiệu tăng chậm và giá đóng cửa không phải mức cao nhất trong phiên. Đây là dấu hiệu đáng lưu ý bởi khả năng rất cao thị trường đang thực sự ở vùng đỉnh.

Hiện tượng này cho thấy các đội lái đang bán ra CP, hay còn gọi là “phân phối” cho NĐT đang hưng phấn. Quá trình này thường diễn ra trong vài phiên giao dịch trước khi tạo đỉnh thực sự. Yếu tố cuối cùng là phiên phân phối đỉnh.

Đặc điểm của phiên giao dịch này là thanh khoản thị trường rất lớn, tăng vọt so với những phiên trước đó. CP được đẩy lên mạnh vào đầu phiên giao dịch nhưng mau chóng suy yếu và đảo chiều giảm điểm, thậm chí giảm sàn hàng loạt khi kết thúc phiên giao dịch.

Theo Kim Giang

Sài Gòn đầu tư tài chính

Trở lên trên