MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng khi “nới lỏng” tiền tệ

30-10-2017 - 10:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Những tín hiệu sớm về khả năng bật tăng nhanh trở lại của CPI cần được NHNN theo dõi chặt chẽ để có quyết định hợp lý về mức độ nới lỏng cung tiền.

Áp lực thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong quý IV/2017, tuy nhiên nhà điều hành cần có sự thận trọng nhất định đối với lượng vốn mới bơm ra, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trở lại.

Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay, đồng thời nới tăng trưởng tín dụng lên mức 21% thay cho mức 18% như kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Mức tăng trần tín dụng ở từng ngân hàng cụ thể sẽ khác nhau, phụ thuộc vào đánh giá của NHNN về tình hình hoạt động, quy mô tín dụng, tỷ lệ đảm bảo an toàn tín dụng…

Tính đến ngày 20/9/2017, tín dụng mới tăng trưởng 11,02% - một con số khá thấp nếu xét tương quan với kỳ vọng và mục tiêu cho cả năm nay. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 21% thì trong ba tháng cuối năm, tín dụng phải tăng trưởng 10% (tức trung bình 3,3%/tháng), tương đương khoảng 552 nghìn tỷ đồng sẽ chảy vào nền kinh tế.

Để có lượng vốn lớn như vậy, NHNN cũng phải tính toán để có mức cung tiền hợp lý sao cho không khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, thậm chí phải đảm bảo thanh khoản hệ thống dồi dào thì mới tạo điều kiện để các ngân hàng phấn đấu giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đứng trước những áp lực đó, CTCK BVSC cho rằng NHNN sẽ tiếp tục thực thi nới lỏng cung tiền trong quý IV, có thể thông qua hoạt động bơm tiền đồng để mua ngoại tệ (nếu diễn biến các dòng vốn FDI, FII, kiều hối thuận lợi).

Hoạt động phát hành tín phiếu sẽ tiếp tục diễn ra nhưng khối lượng hút ròng về có thể sẽ thấp hơn khối lượng tiền được bơm ra nhằm đạt mục tiêu tạo thanh khoản dồi dào cho các ngân hàng như phân tích ở trên.

Về mặt bằng lãi suất, khó có khả năng mặt bằng lãi suất cho vay giảm trên diện rộng trong quý IV như mong muốn của người đứng đầu Chính phủ. Lý do quý IV là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, thanh khoản cũng thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ nên các ngân hàng sẽ không “mạo hiểm” giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không giảm, rất khó để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm, ngoại trừ một số ngân hàng có khả năng cắt giảm chi phí quản lý hành chính hoặc đã “nhẹ gánh” trong trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.

Ở một diễn biến khác, sau khi lao dốc trong quý II do giá thịt lợn giảm sâu, lạm phát trong quý III đã nhanh chóng bật tăng trở lại với mức trung bình 0,54% mỗi tháng (so với mức -0,23% trong quý II và 0,3% trong quý I).

Dự báo trong quý IV, chỉ số CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng do một số nguyên nhân như: giá lương thực thực phẩm có thể tăng mạnh do chịu ảnh hưởng của tình hình thiên tai bão lũ, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho những người chưa có bảo hiểm. Dù chỉ số lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá lương thực phẩm, xăng dầu, các mặt hàng do Nhà nước quản lý) vẫn ở mức thấp (1,32%) và lạm phát toàn phần năm 2017 được nhận định vẫn trong tầm kiểm soát (khoảng 4-4,5%) nhưng những tín hiệu sớm về khả năng bật tăng nhanh trở lại của CPI cần được NHNN theo dõi chặt chẽ để có quyết định hợp lý về mức độ nới lỏng cung tiền.

Ngoài ra, sau mức tăng cao đột biến trong quý III vừa qua (7,46%), triển vọng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% của Chính phủ đã khả thi hơn rất nhiều. Nhiệm vụ phải áp dụng tất cả các biện pháp nhằm giúp tăng trưởng về đích trong thời điểm hiện tại đã bớt nặng nề hơn so với thời điểm cuối quý II.

Do đó, NHNN không nhất thiết phải thúc đẩy hệ thống ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% bằng mọi giá nếu như xuất hiện những tín hiệu sớm về khả năng lạm phát sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát, không chỉ trong quý IV/2017 mà còn cả trong năm 2018.

Theo BVSC, thay vì dồn hết gánh nặng cho chính sách tiền tệ, nếu vẫn muốn thúc đẩy tang trưởng GDP, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong chính sách tài khóa, cụ thể là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (hết 9 tháng mới đạt 7% dự toán). Làm được điều này vừa giúp nền kinh tế tăng trưởng vừa tránh được sự lãng phí của hoạt động huy động trái phiếu Chính phủ (không giải ngân được trong khi Ngân sách Nhà nước vẫn phải chịu gánh nặng trả lãi).

Theo Linh Nga

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên