Cẩn trọng trước 'bẫy' mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, rất nhiều hội nhóm thường xuyên có đăng bài nội dung về việc thu mua, thuê mướn thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân hoặc tài khoản ngân hàng,..
- 10-06-2023Triệt tài khoản rác, lừa đảo
- 10-06-2023Tốc độ xử lý của máy tính lượng tử Trung Quốc gấp 180 triệu lần siêu máy tính mạnh nhất thế giới
- 10-06-20233 cách cập nhật thông tin căn cước công dân trong đăng ký thuế
Rộn ràng trên mạng
Theo đó, các đối tượng này thường lấy danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang chạy chỉ tiêu mở thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán để vận động học sinh, sinh viên hoặc công nhân, người lao động có thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế về pháp luật để mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp. Sau đó, thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản, từ đó phân phối lại trên không gian mạng để kiếm lời bất chính.
Cơ quan chức năng cho biết, các đối tượng thường tham gia vào các hội nhóm liên quan đến chạy chỉ tiêu ngân hàng để đăng tin, tuyển lựa người mở tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng với giá từ 1-2 triệu/tài khoản thanh toán. Sau khi hoàn tất thủ tục mở tài khoản thanh toán, chủ tài khoản chuyển lại cho đối tượng thông tin đăng nhập tài khoản thanh toán, số điện thoại (thường là sim không chính chủ do chủ tài khoản tự mua hoặc do đối tượng cung cấp), thẻ ngân hàng.
Bên cạnh đó, đối tượng còn sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác (thu mua từ cửa hàng cầm đồ, nhà nghỉ hoặc nhặt được...), thay ảnh để mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, gần đây, nhiều vụ lộ, lọt thông tin cá nhân do các chủ thể kinh doanh nắm giữ và tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép thông tin cá nhân đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Theo đó thông tin cá nhân được hiểu là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác.
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Luật công nghệ thông tin (CNTT) 2006 sửa đổi bổ sung 2017, tổ chức, cá nhân thì “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khoản 2 Điều 22 Luật CNTT quy định “tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự đồng ý của người đó”.
Như vậy, thông tin cá nhân là những thông tin được pháp luật bảo vệ, việc cung cấp cho bên thứ ba hoặc sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng mà chưa được sự đồng ý (trừ trường hợp luật có quy định khác) là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, không ít đối tượng đã tổ chức lôi kéo, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết về pháp luật để thuê mướn thông tin, giấy tờ tùy thân cá nhân nhằm mục đích đăng ký mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc lừa đảo trên không gian mạng.
T iềm ẩn nhiều rủi ro
Theo luật sư Bình, khi có được thông tin cá nhân, các đối tượng vi phạm này có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm,… để rút tiền trái phép hay thậm chí tiếp tục rao bán trên mạng xã hội nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Như đã trình bày trước đó, tổ chức, cá nhân chỉ được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba nếu có sự đồng ý của chủ sở hữu thông tin đó. Do đó tổ chức, cá nhân không được tuỳ tiện cho thuê mướn thông tin cá nhân của người khác cho một bên thứ ba khi không được sự đồng ý từ chủ sở hữu.
"Trường hợp không được cho phép mà tự ý sử dụng thông tin cá nhân của người khác thì đó có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, chủ thể vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự", Luật sư khẳng định.
Cụ thể hành vi “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng” có thể bị xử phạt từ 40 - 100 triệu đồng theo khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Ngoài ra, Điều 291 BLHS 2015 sửa đổi 2017 về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hoá trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Chủ thể vi phạm có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù đến 07 năm tù giam.
Điều 288 BLHS 2015 sửa đổi 2017 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông thì có thể bị phạt tiền lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù tối đa lên đến 07 năm.
Như vậy, sau khi điều tra, xác minh, làm rõ nếu các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm mà có dấu hiệu của một trong các tội trên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng theo quy định tại BLHS 2015 sửa đổi 2017.
Đại đoàn kết