MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng với bảo hiểm xe máy siêu rẻ

19-05-2020 - 09:04 AM | Thị trường

Nhiều chủ phương tiện xe máy hiện nay do không hiểu quyền lợi và ngại làm thủ tục bồi thường nên không mua bảo hiểm xe máy hoặc mua chỉ để đối phó với CSGT

Trong đợt tổng kiểm soát phương tiện của CSGT trên toàn quốc từ ngày 15-5 đến 14-6, để tránh bị phạt tiền, nhiều người dân đã đổ xô đi mua giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới (bảo hiểm). Điều này vô tình khiến mặt hàng này bán chạy mấy ngày qua nhưng mỗi nơi một giá và chào bán kiểu lập lờ, gây hiểu lầm cho người mua.

Lập lờ giữa bắt buộc và tự nguyện

Bên cạnh các điểm bán bảo hiểm, đại lý bảo hiểm xe máy chính thức đông khách đột biến thì nhiều tuyến đường ở TP HCM như xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng… cũng nở rộ những điểm bán bảo hiểm xe máy "dã chiến".

Trên xa lộ Hà Nội, đoạn vừa đổ dốc cầu Sài Gòn theo hướng về quận Thủ Đức (phường An Phú, quận 2), đoạn đường chưa đầy 300 m nhưng dày đặc điểm bán bảo hiểm xe máy bên lề đường. Hầu hết các điểm bán bảo hiểm đều treo bảng với dòng chữ lớn quảng cáo bán bảo hiểm xe máy 2 người ngồi với giá rất rẻ, chỉ 10.000 đồng/năm, thậm chí có cả bảo hiểm cho xe ba gác. Một người bán cho biết các công ty bảo hiểm đưa giá 55.000 - 66.000 đồng/năm với loại bảo hiểm thuộc trách nhiệm dân sự bắt buộc, nếu chọn thời hạn 2 năm là 85.000 đồng; còn bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe, tại quầy bán với giá 10.000 đồng/năm và 15.000 đồng/2 năm.

Dù một số điểm bán bảo hiểm xe máy đều treo bảng thông tin "bảo hiểm cho người ngồi giá 10.000 đồng" nhưng khi khách vào, người bán rất ít khi giải thích rõ loại nào có giá trị pháp lý khi CSGT yêu cầu xuất trình, loại nào tự nguyện. Thậm chí, có những điểm bán chỉ treo biển với dòng chữ lớn "Bảo hiểm xe máy 10.000 đồng/năm", còn chữ "cho người ngồi" lại viết rất nhỏ, khiến nhiều người nhầm tưởng đây là bảo hiểm bắt buộc mà CSGT yêu cầu.

Qua ghi nhận, nhiều người ghé mua bảo hiểm xe máy "siêu rẻ" này đa phần là phụ nữ và không mấy ai quan tâm đến giá trị của tờ bảo hiểm, mua không phải để phòng rủi ro mà chỉ mang tính đối phó trường hợp bị CSGT yêu cầu dừng xe, xuất trình giấy tờ. "Tôi thấy giá rẻ, nhiều người nên cũng ghé mua để tránh bị phạt chứ không rõ loại bảo hiểm đó có hợp lệ hay không bởi trước giờ không mấy quan tâm" - chị Phương (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đội trưởng một đội CSGT thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM cho biết mấy ngày qua, ngoài xử phạt nhiều trường hợp không có bảo hiểm xe máy hoặc có nhưng hết hạn, đơn vị còn phát hiện không ít người sử dụng bảo hiểm không có giá trị pháp lý. Theo Nghị định 100, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/trường hợp vi phạm. Cán bộ CSGT này khuyến cáo người dân mua bảo hiểm giá rẻ không nên chủ quan bởi thực tế, đó chỉ là chiêu trò câu khách của một số điểm bán. "Loại mà người dân mua với giá 10.000 - 20.000 đồng chỉ là bảo hiểm cho người ngồi trên xe, chỉ có giá trị khi đi kèm với bảo hiểm xe máy để được bảo hiểm dạng như khi bị tai nạn... Loại này không dùng để thay thế cho bảo hiểm xe máy" - vị này nhấn mạnh.

Cẩn trọng với bảo hiểm xe máy siêu rẻ  - Ảnh 1.

Dày đặc điểm bán bảo hiểm xe máy giá “siêu rẻ” trên xa lộ Hà Nội (quận 2, TP HCM) ngày 17-5. Ảnh: GIA MINH

Cần tuyên truyền nhiều hơn

Lý giải về tình trạng người đi xe máy ít quan tâm đến các loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi tham gia giao thông, luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, cho hay câu chuyện mua bảo hiểm xe máy không có ý nghĩa "bảo hiểm" mà chỉ có tác dụng đối phó công an đã được dư luận lên tiếng từ lâu nhưng lại rộ lên trong các đợt công an kiểm tra. Từ trước đến giờ, hội chưa từng tiếp nhận trường hợp khiếu nại nào xung quanh vấn đề đòi tiền bảo hiểm của chủ xe máy.

Theo bà Việt Thu, vấn đề ở đây là dường như cơ quan quản lý lâu nay thiếu hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết của bảo hiểm và đồng thuận với quy định phải mua bảo hiểm bắt buộc vì thực tế lâu nay gần như không ai được hưởng quyền lợi. Đối với các công ty bán bảo hiểm, họ hưởng lợi nhất về chủ trương này cũng chỉ tập trung bán bảo hiểm mà không có các hoạt động cung cấp thông tin cho khách hàng về các điều khoản bảo hiểm, làm sao để người mua được hưởng khi rủi ro xảy ra. Về phía chủ xe máy, do số tiền bỏ ra không quá lớn nên họ mua xong bỏ ví mà không chủ động tìm hiểu dẫn đến bị mất quyền lợi" - luật gia Việt Thu đánh giá.

Dưới góc độ doanh nghiệp bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Marketing Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), cho rằng việc bắt buộc mua bảo hiểm xe máy là quy định rất có ý nghĩa, có giá trị nhân văn. "Bảo hiểm trách nhiệm dân sự với xe máy là loại bảo hiểm chỉ bồi thường cho bên bị nạn, bao gồm bồi thường về con người nhiều nhất là 100 triệu đồng và bồi thường về tài sản nhiều nhất là 50 triệu đồng. Xuất phát từ thực tiễn là chủ phương tiện xe máy thường không phải người có thu nhập cao, lại đối mặt với rủi ro về tai nạn, va quệt khi tham gia giao thông, nhất là va quệt với phương tiện ôtô và có nguy cơ phải bồi thường số tiền lớn. Do đó, bảo hiểm xe máy ra đời với mục đích an sinh xã hội, nhiều nước trên thế giới cũng duy trì loại bảo hiểm này" - bà Vân Anh nói thêm.

Cũng theo bà Vân Anh, nhiều chủ phương tiện xe máy hiện nay do không hiểu quyền lợi và ngại làm thủ tục bồi thường nên không mua bảo hiểm xe máy hoặc mua chỉ để đối phó với CSGT. Bởi vậy, có hiện tượng nhiều người gây tai nạn không làm thủ tục để được bồi thường mà tự bỏ tiền túi ra bồi thường cho nạn nhân. "Do bồi thường liên quan đến bên thứ 3 nên cần có cơ quan chức năng vào cuộc đánh giá để bảo đảm khách quan, tránh bắt tay nhau trục lợi. Chỉ cần chủ phương tiện thực hiện đúng quy định, không uống rượu bia... khi gây tai nạn thì mọi thủ tục không phức tạp" - bà Vân Anh giải thích và thông tin trong năm 2019, PTI đã bồi thường bảo hiểm xe máy khoảng hơn 20 tỉ đồng.

Luật gia Phan Thị Việt Thu cho biết với ôtô, mức đóng bảo hiểm bắt buộc cao hơn, quyền lợi được bảo hiểm nhiều hơn nên hội từng tiếp nhận một số trường hợp khiếu nại khi hãng bảo hiểm từ chối bồi thường. Qua đó mới thấy các hãng có “1.001 lý do” để từ chối bồi thường bảo hiểm, còn người mua bị thiệt do không đọc kỹ hợp đồng. Hợp đồng bảo hiểm được soạn thảo bởi các chuyên gia luật rất phức tạp nên người mua dựa theo tư vấn của đại lý, trong khi đại lý chỉ tư vấn cốt sao bán được bảo hiểm nên đến khi xảy ra sự cố, người mua bảo hiểm sẽ không biết làm gì để được hưởng bảo hiểm.

Theo Gia Minh - Phương Nhung - Ngọc Ánh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên