MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng với cổ phiếu penny 'dậy sóng'

Nhiều cổ phiếu penny đã tăng rất mạnh nhưng đầu tư nhóm này cũng rất rủi ro, cổ phiếu có thể tăng trần nhiều phiên nhưng cũng dễ giảm sàn liên tục.

Nhiều cổ phiếu penny tăng cao

Từ đầu tháng 3 đến nay, không ít cổ phiếu thị giá thấp (penny) đã ghi nhận những phiên tăng kịch trần. Có cổ phiếu tăng hàng chục %, thậm chí hơn 100%. Cùng với đó, thanh khoản cổ phiếu cũng được cải thiện từ vài lần lên đến hàng chục lần so với trước đó.

Cổ phiếu PXL của CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - IDICO đang ghi nhận chuỗi tăng giá từ 3.000 đồng/cp lên 6.100 đồng/cp, tương đương tăng giá 103% sau nửa tháng. Thông tin về kế hoạch kinh doanh 2019 tham vọng của doanh nghiệp là gấp 6 lần năm 2018, dự kiến bù lỗ luỹ kế, chia lại cổ tức 3% khiến giá cổ phiếu tăng.

Cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex cũng (HNX: VCR) bất ngờ tăng trần liên tiếp sau khi Sở GDCK Hà Nội dỡ bỏ hạn chế giao dịch cổ phiếu từ ngày 6/3. Chốt phiên 14/3, VCR ở mức 8.100 đồng/cp, tăng 69% so với trước dỡ bỏ hạn chế. VCR là công ty con của Vinaconex và hiện kinh doanh bất động sản tại Cát Bà, Hải Phòng.

Từ đầu tháng 3, cổ phiếu CTCP CNC Capital Việt Nam (HNX: KSQ) liên tuc tăng trần từ 1.200 đồng lên 2.400 đồng/cp, ứng với mức tăng 100%. Cổ phiếu CTCP Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH) từ đầu tháng 3 cũng tăng từ 5.000 đồng/cp lên 6.200 đồng/cp cùng với thanh khoản tăng hàng chục lần,…

Một số cổ phiếu penny khác sau giai đoạn tăng mạnh đã quay đầu giảm kịch sàn. Điển hình, cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (HoSE: PPI) sau 13 phiên kịch trần đã có 3 phiên giảm sàn, hiện còn 680 đồng/cp. Cổ phiếu CTCP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (HNX: SDD) tăng từ 1.500 đồng/cp lên 2.300 đồng/cp cũng giảm giá trong 2 phiên gần đây. Cổ phiếu PVX tăng từ 1.000 đồng/cp lên 1.800 đồng/cp trước khi giảm về 1.400 đồng/cp…

Penny "dậy sóng" nhưng nên cẩn trọng

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc công ty chứng khoán KIS Việt Nam, việc một số cổ phiếu penny tăng nóng gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Cẩn trọng với cổ phiếu penny dậy sóng - Ảnh 1.

Ông Trương Hiền Phương -Giám đốc chứng khoán KIS Việt Nam.

Dù mang lại mức sinh lời rất lớn, ông Phương cho rằng nhóm cổ phiếu penny cũng thường có rủi ro nhất, bởi đây là các doanh nghiệp thường có kết quả không được tốt cũng như chiến lược phát triển chưa vững vàng. Tóm lại, đầu tư nhóm penny sẽ phải chấp nhận rủi ro cao hơn rất nhiều.

Giám đốc KIS Việt Nam cho rằng một số penny cũng có liên quan đến các hoạt động “làm giá” cổ phiếu, nhà đầu tư nên hết sức cảnh giác và thận trọng. Việc đầu tiên khi đầu tư là phải tìm hiểu kỹ về tình hình doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, tài sản, đất đai, thông tin ban lãnh đạo,… trước khi quyết định giải ngân.

Đầu tiên, do kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không tốt, các cổ phiếu penny đã bị nhà đầu tư đánh giá thấp khiến giá giảm sâu và thanh khoản kém. Tuy nhiên, một số công ty gần đây được nhiều thông tin tích cực hỗ trợ nên sự chấp nhận của nhà đầu tư cũng trở nên tốt hơn. Lượng cung bán ra không nhiều trong khi lượng mua vào gia tăng. Thậm chí, các nhà đầu tư đã bán ra cũng có khuynh hướng mua vào lại giúp nhiều cổ phiếu tăng giá.

Một yếu tố khác là các cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip) đã tăng khá nhiều, một số cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) với thương hiệu, triển vọng tốt cũng đã tăng cao. Điều này làm các nhà đầu tư chậm chân sẽ ngại giải ngân tiếp vào các cổ phiếu đã tăng giá. Thay vào đó, họ cân nhắc để mua các cổ phiếu chưa tăng giá, trong đó có nhóm penny.

Cuối cùng, ông Phương cho rằng dòng tiền trong một chu kỳ tăng trưởng thường trải qua nhiều giai đoạn. Thứ nhất, dòng tiền thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn nhằm kéo chỉ số. Khi dòng tiền này kích thị trường tăng điểm thì các nhà đầu tư khác mới mạnh dạn giải ngân, dòng sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu midcap. Và cuối chu kỳ, xu hướng dịch chuyển là sang nhóm penny.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

Trở lên trên