Cẩn trọng với Pi Network
Đã có nhiều chuyên gia cảnh báo Pi Network lấy cắp dữ liệu người dùng
- 04-07-2023Rót tiền vào dự án trên nền tảng gọi vốn cho Lê Diệp Kiều Trang, nhà đầu tư có được trả lại tiền khi dự án thất bại?
- 04-07-2023BlackPink, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy "phá đảo" xu hướng tìm kiếm, bên cạnh đó là... quạt tích điện
- 04-07-2023Công cụ mới giúp phát hiện các điểm truy cập Wi-Fi lừa đảo
Pi Network ban đầu hướng đến mục tiêu tạo ra một loại tiền điện tử dễ dàng sử dụng trên điện thoại di động và xây dựng một cộng đồng sôi động. Tuy nhiên, việc tìm ra các ứng dụng có giá trị cho tài sản số (token) này vẫn là một thách thức lớn. Chưa kể, việc thanh toán, trao đổi Pi là không phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
1 Pi bằng 7 tỉ đồng?
Pi là dự án về tiền điện tử ra đời từ năm 2019 bởi người sáng lập là TS Nicolas Kokkalis, đến từ Đại học Stanford (Mỹ). Dự án được quảng cáo có thể "đào" miễn phí trên điện thoại bằng ứng dụng Pi Network. Để tiến hành đào đồng Pi, người dùng cần sở hữu một thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng và thực hiện việc điểm danh hằng ngày. Tốc độ khai thác Pi sẽ phụ thuộc vào số lượng người tham gia trong cộng đồng, với mục tiêu tạo ra độ khó tăng dần trong quá trình khai thác. Khi có nhiều người dùng tham gia, số Pi được đào ra sẽ giảm đi. Ban đầu, tốc độ khai thác là 3,1 Pi mỗi giờ. Tuy nhiên, khi cộng đồng đạt đến con số 10 triệu thành viên (vào cuối năm 2020, đầu năm 2021 đã vượt qua con số này với hơn 13 triệu thành viên), tốc độ khai thác Pi đã giảm xuống chỉ còn 0,2 Pi mỗi giờ.
Tiền số Pi và nhiều loại tiền điện tử khác đều chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là phương tiện thanh toán .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Blockchain Reporter, số lượng người dùng còn hoạt động (active users) tại Pi Network trên toàn cầu đã vượt mức 35 triệu người (12/2022) và còn đang tăng lên. Hiện tại, Pi Network được đánh giá là một trong những cộng đồng lớn nhất và hoạt động tính cực nhất trong các dự án blockchain nhưng đa số hoạt động nhỏ lẻ, phân tán.
Còn tại Việt Nam, ứng dụng Pi Network thường xuyên nằm trong danh sách ứng dụng mạng xã hội được tải về nhiều nhất trên iOS tại Việt Nam. Trong khi đó, ứng dụng "đào Pi" trên Android đạt hơn 10 triệu lượt tải về. Đây là một con số "khủng" và mục tiêu của bất cứ ứng dụng nào tại Việt Nam.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ đang ở giai đoạn "Mainnet kín", tức cho trao đổi hàng hóa bằng đồng Pi giữa những người sở hữu Pi đã được KYC (xác thực thông tin cá nhân). Ngoài ra, đã có một vài sàn giao dịch niêm yết Pi theo hình thức ghi nợ IOU (I-Own-You) hoặc trao đổi ngang hàng P2P.
Một trong những vấn đề lớn hiện tại của Pi Network là tính tập trung của việc hiển thị số lượng đồng Pi được đào ra trên các thiết bị di động. Do đó, giá trị của đồng Pi Network chủ yếu được xác định thông qua các cộng đồng nhỏ lẻ, phân tán (người dùng tự thương lượng, đồng thuận giá). Thậm chí, một số người quảng bá hoạt động mua bán hàng hóa, trả bằng đồng Pi.
Tại sự kiện cộng đồng tiền ảo Pi Việt Nam tổ chức ở Từ Sơn, Bắc Ninh mới đây thu hút tới 1.500 người tham dự đã "đồng thuận" giá trị 1 đồng Pi bằng 7 tỉ VNĐ, tương đương 314.159 USD. Ngay sau khi các hình ảnh và thông tin về sự kiện được chia sẻ và gây tranh cãi, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chính thức vào cuộc để xác minh.
Rủi ro mất cắp dữ liệu
Trước đây đã có nhiều chuyên gia không gian mạng cảnh báo Pi Network có thể lấy cắp dữ liệu của người dùng. Theo những người đang tham gia mạng lưới Pi, ai cũng có thể "đào" Pi một cách miễn phí và được hiển thị bằng con số trên màn hình điện thoại nhưng để rút được "đồng Pi" và sử dụng trên mạng lưới blockchain người dùng cần phải thực hiện quá trình cung cấp các thông tin cá nhân bao gồm: số điện thoại, CCCD/CMND...
Theo Pi Core Team (được cho là người/nhóm sáng lập Pi) thì việc xác thực thông tin này nhằm bảo đảm người dùng Pi là thật, cũng như để tuân thủ quy định của một số quốc gia. Tuy nhiên, việc này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro về vấn đề lộ danh tính người dùng. Tháng 5-2021, trên một diễn đàn hacker nổi tiếng, một tài khoản ẩn danh đã rao bán hơn 17GB dữ liệu người dùng Việt Nam được cho là lấy từ thông tin dữ liệu của Pi Network.
Ngoài ra, tiền mã hóa hay tiền số vẫn chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Khoản 6, điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng quy định các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50-100 triệu đồng. Bên cạnh đó, trong Công văn 5747/NHNN-PC ngày 21-7-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định bitcoin, litecoin... và các loại tiền ảo/tiền mã hóa khác tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động tiền mã hóa và các sản phẩm tương tự vì không được pháp luật bảo hộ. Do đó, người dùng cần cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và các hoạt động giao dịch mua bán tiền mã hóa.
Tóm lại, Pi Network hiện là một trong rất nhiều dự án được xây dựng trên mạng lưới blockchain được sự đồng thuận đông đảo của cộng đồng. Tuy nhiên, người dùng nên cẩn thận trước những cộng đồng xấu, lợi dụng hình ảnh Pi Network để kêu gọi vào những hình thức đầu tư khác, yêu cầu người dùng phải đóng tiền, thậm chí là lừa đảo.
Người lao động