MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căng thẳng leo thang ở biển Đỏ

11-01-2024 - 07:03 AM | Tài chính quốc tế

Chi phí vận chuyển hàng hóa qua biển Đỏ tăng mạnh kể từ khi lực lượng Houthi ở Yemen bắt đầu tấn công tàu thương mại vào cuối tháng 11-2023

Lực lượng Mỹ và Anh ngày 9-1 đã bắn hạ 21 máy bay không người lái và tên lửa do nhóm Houthi ở Yemen phóng ra phía Nam biển Đỏ. Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết thông tin này, đồng thời nói thêm vụ tấn công không gây thiệt hại. Cũng theo CENTCOM, đây là vụ tấn công thứ 26 của Houthi nhằm vào các tuyến đường vận tải thương mại ở biển Đỏ kể từ ngày 19-11-2023. Đây cũng là một trong những vụ tấn công lớn nhất ở biển Đỏ mà Houthi đã thực hiện kể từ khi xung đột Israel - Hamas diễn ra vào tháng 10-2023, lấy lý do phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hành động của Houthi đã gây nguy hại cho một trong những tuyến đường thương mại quan trọng của thế giới, kết nối châu Á và Trung Đông với châu Âu. Một lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đang tuần tra biển Đỏ trong nỗ lực ngăn các vụ tấn công như trên. Đã xuất hiện nỗi lo căng thẳng có thể leo thang hơn nữa ở biển Đỏ hoặc nguy cơ Mỹ tấn công vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen, từ đó đe dọa làm đảo lộn thỏa thuận ngừng bắn tại đó. Một kịch bản đáng lo nữa là Iran, hiện hậu thuẫn Houthi, có thể bị lôi kéo vào cuộc đối đầu.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, gần 10% lượng dầu giao dịch trên biển đi qua biển Đỏ. Ngoài ra, ước tính có khoảng 1.000 tỉ USD hàng hóa cũng được vận chuyển qua tuyến đường này mỗi năm. Kể từ khi Houthi gây chuyện, nhiều hãng tàu đã chọn con đường xa hơn là vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi.

Căng thẳng leo thang ở biển Đỏ - Ảnh 1.

Tàu khu trục USS Laboon của Mỹ đi qua eo biển Bab al-Mandeb của biển Đỏ vào tháng 12-2023 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Theo ông Rahul Sharan, chuyên gia tại Công ty Drewry (Anh), sự thay đổi này khiến hành trình kéo dài thêm khoảng 10-14 ngày và làm tăng chi phí nhiên liệu, buộc một số công ty vận tải biển áp dụng các khoản phụ phí để bù đắp chi phí bổ sung. Ông Christian Roeloffs, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Container xChange (Đức), cho biết chi phí cho mỗi chuyến đi có thể tăng thêm đến 760.000 USD, thậm chí lên đến 1 triệu USD.

Còn theo chỉ số container thế giới của Drewry (chuyên theo dõi cước vận tải container trên 8 tuyến đường chính đến và đi từ Mỹ, châu Âu và châu Á), phí vận chuyển 1 container 40 feet từ Trung Quốc sang châu Âu thông qua biển Đỏ hiện là 4.000 USD. Con số này tăng đến 248% so với mức 1.148 USD ngày 21-11-2023, tuần lễ các cuộc tấn công bắt đầu. Con số này cũng tăng 140% so với mức 1.667 USD của ngày 23-12-2023.

Giới phân tích cảnh báo tình trạng gián đoạn tiếp diễn ở biển Đỏ có thể khiến lạm phát gia tăng trên thế giới. Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" được công bố ngày 9-1, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, giá năng lượng có thể bị đẩy lên cao hơn, từ đó tác động đến hoạt động và lạm phát toàn cầu. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông Daan Struyven, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), dự đoán nếu gián đoạn ở biển Đỏ kéo dài, giá dầu thậm chí có thể tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, ông nói kịch bản này khó có thể xảy ra. 

Kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức

Báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ chậm lại trong năm thứ 3 liên tiếp do thương mại toàn cầu suy yếu và tác động của lãi suất cao. Cụ thể, theo WB, kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng 2,4% trong khi con số này năm ngoái là 2,6%. Báo cáo cũng chỉ ra vẫn còn một số thách thức đối với kinh tế toàn cầu thời gian tới, trong đó nổi bật là căng thẳng địa chính trị gia tăng, khả năng giá hàng hóa tăng, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày một cao do tác động của biến đổi khó hậu, phân mảnh thương mại, sức ép nợ nần…

Đáng chú ý, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 1,6% năm 2024, so với mức 2,5% năm 2023. Theo WB, sự sụt giảm này đến từ việc lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm và chính phủ cắt giảm chi tiêu. Doanh nghiệp được cho là sẽ thận trọng trong đầu tư do tình hình kinh tế và chính trị khó đoán định, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 4,5%, giảm so với con số 5,2% năm 2023. Khu vực đồng euro lần lượt tăng trưởng 0,4% năm 2023 và 0,7% năm 2024.

Theo báo cáo, các nền kinh tế đang phát triển đang chịu tác động bởi chi phí vay mượn cao và khối lượng thương mại sụt giảm. Nhìn chung, nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến tăng trưởng 3,9% năm 2024, thấp hơn 1 điểm % so với mức bình quân của thập kỷ trước. Tốc độ tăng trưởng này được cho là không giúp ích gì nhiều cho cuộc chiến chống đói nghèo. Đến cuối năm 2024, người dân tại 25% quốc gia đang phát triển và 40% nước có thu nhập thấp sẽ nghèo hơn so với năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Hoàng Phương


Theo Anh Thư

Người Lao động

Trở lên trên